Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân

Khánh Khoa| 17/02/2015 07:29

(HNM) - Đánh giá việc thực hiện

Ý thức chấp hành luật của công dân đã tạo nên thành công của “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”. Ảnh: Bá Hoạt



Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Thành phố cần thực hiện đồng bộ, kiên trì, lâu dài các giải pháp tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, đặc biệt tại các điểm thường xuyên ùn tắc, tai nạn. Thường xuyên duy tu bảo đảm chất lượng công trình hạ tầng, đồng thời tăng cường xử lý trường hợp vi phạm trật tự ATGT, đô thị. Chọn vấn đề cấp thiết, bức xúc trong quản lý đô thị, tạo khâu đột phá, công việc trọng tâm để tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến về "Năm trật tự và văn minh đô thị 2015" do Báo Hànộimới tổ chức mới đây, các ý kiến đóng góp đã ghi nhận nhiều điều mà thành phố đã làm được trong thời gian qua. Nổi bật như việc thanh thải, sắp xếp đường dây cáp đi nổi trên 200 tuyến phố đã gần như giải tỏa nạn "rác trời" bấy lâu nay. Hay việc bố trí các điểm quảng cáo, rao vặt và xử lý mạnh tay số điện thoại quảng cáo, rao vặt làm bẩn đường phố đã phần nào khắc chế tình trạng "rác trên tường". Số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng giảm đáng kể, nạn đổ trộm phế thải không còn hoành hành như trước. Nhiều công trình chống ùn tắc giao thông, cầu vượt nhẹ tại các nút trọng điểm được thi công với tiến độ khẩn trương, đưa vào sử dụng kịp thời, giải quyết những bức xúc của người dân Thủ đô, đồng thời mang lại diện mạo đô thị văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, như đánh giá của lãnh đạo thành phố, kết quả đạt được còn chưa như kỳ vọng, mà điển hình là tình trạng giao thông lộn xộn không đâu như Hà Nội. Tuyên truyền có, hướng dẫn có, xử phạt mạnh có, thậm chí lắp đặt cả dải phân cách cưỡng bức… nhưng vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy đi bất chấp luật lệ.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cũng cảnh báo về nguy cơ ùn tắc giao thông có thể tái phát. Chủ tịch cho rằng, cầu vượt đã phát huy hiệu quả, nhưng với tốc độ gia tăng phương tiện hiện nay thì ùn tắc vẫn dễ xảy ra. Vì vậy, Chủ tịch thành phố yêu cầu các cấp, ngành địa phương phải tập trung tuyên truyền Chỉ thị 01/CT-UBND và Kế hoạch thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2015", tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Cùng với đó, các đơn vị cần chủ động giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT), văn hóa giao thông, biểu dương gương tốt, tăng cường ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy tắc ATGT, hành lang giao thông, đình chỉ phương tiện quá niên hạn, xử lý lấn chiếm hè, đường… Chủ tịch thành phố cũng kêu gọi mọi công dân Thủ đô phát huy nét đẹp "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", tích cực hưởng ứng "Năm trật tự và văn minh đô thị", chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Cùng với việc phổ biến pháp luật, cần biểu dương những gương tốt, tăng cường ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Các đơn vị chức năng kiểm tra, duy trì bảo đảm các tuyến đường êm thuận, tổ chức giao thông phù hợp nhằm giảm ùn tắc, bảo đảm ATGT. Cùng với đó, tiếp tục thanh thải đường dây đi nổi, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm; tháo dỡ biển quảng cáo, mái che sai quy định; nâng cấp hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị…

Với quan điểm chọn những khâu còn thiếu và yếu để tạo đột phá, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, điều được mong đợi là trong năm 2015 sẽ có chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, rõ nét để Thủ đô xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, đẹp cả trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại là việc khó, không chỉ 5 năm, 10 năm mà cần nhiều thời gian để xây dựng thành văn hóa, ý thức. Muốn người dân thực hiện tốt, trước hết cơ quan quản lý nhà nước phải gương mẫu. Muốn toàn thể nhân dân tham gia trồng cây thì cơ quan chức năng làm trước và phải làm cho tốt. Cơ quan chiếu sáng phải bảo đảm không để bóng hỏng, cột đèn cong nghiêng, nơi cần sáng phải sáng. Ngành điện tiếp tục sắp xếp đường dây ngay ngắn, dây không dùng cắt bỏ để đường phố luôn gọn gàng. Hè phố do ngành giao thông và UBND địa phương quản lý, phải có hướng dẫn cho nhân dân chỗ nào được sử dụng, chỗ nào không được phép. Tổ chức lòng đường, vỉa hè thông thoáng là trách nhiệm của cơ quan quản lý; người dân chấp hành, chung tay góp sức vì Thủ đô văn minh.

Theo kế hoạch thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2015", thành phố đặt mục tiêu hạn chế ùn tắc giao thông, kiềm chế và giảm số vụ tai nạn giao thông thông qua xây dựng văn hóa giao thông và hoàn thiện công trình hạ tầng như các tuyến đường Vành đai I, Vành đai II, đường Văn Cao - Hồ Tây… Trong khi đó, ngành xây dựng tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, đường phố sáng - xanh - sạch - đẹp. UBND các quận, huyện cùng lực lượng chuyên trách giải tỏa tụ điểm phức tạp về trật tự đô thị, chợ cóc, lấn chiếm hè, đường kinh doanh. Sở Công thương được giao chủ trì sắp xếp các điểm chợ dân sinh phù hợp, vừa bảo đảm trật tự đô thị vừa bảo đảm sinh hoạt đời sống của người dân. Hai lực lượng chủ lực là công an và thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; bố trí chốt trực 59 vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc, giải tỏa vi phạm trông giữ phương tiện trái phép, xe dù, bến cóc… Tiếp tục nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015 là "Năm trật tự và văn minh đô thị", Hà Nội muốn phát huy những kết quả, cách làm hay, khắc phục những nhược điểm, bất cập chưa giải quyết được trong năm 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.