(HNM) - Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của giáo dục - đào tạo là nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đây có thể được xem như là một cuộc “cách mạng” của ngành Giáo dục, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, nên quá trình thực hiện đổi mới cũng cần phải rất chuẩn mực.
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với lớp 2 và lớp 6 theo lộ trình. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội chủ động triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cụ thể nhằm đạt được mục tiêu đề ra đó là đổi mới chương trình phải phù hợp, đổi mới sách giáo khoa phải đạt chuẩn kiến thức, thì mới có được một nền tảng giáo dục vững chắc từ bậc tiểu học trở lên.
Để không lặp lại những hạn chế đã gặp phải trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021, việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt các bộ sách giáo khoa mới cần cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc, hạn chế sai sót. Theo đó, đội ngũ tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới phải vận dụng sáng tạo các phương thức, phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại nhất trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành, bảo đảm có một bộ sách giáo khoa đạt chuẩn, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đề ra, được sử dụng lâu dài.
Quy trình biên soạn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cũng cần tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo... và đặc biệt là sự làm việc công minh, tâm huyết, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia, tránh để lọt vào bộ sách những "hạt sạn" đáng tiếc.
Mục tiêu của đổi mới giáo dục phổ thông là góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Cùng với việc xây dựng được chương trình, sách giáo khoa phù hợp, thì đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với lớp 2, lớp 6 theo quy định cũng có ý nghĩa rất lớn. Vì vậy, các nhà trường cần chủ động rà soát, đề xuất với các cấp có thẩm quyền đầu tư bổ sung trang thiết bị cần thiết, đáp ứng yêu cầu dạy và học theo đúng danh mục Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.
Đặc biệt, các nhà trường cần phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên nhằm triển khai tốt chương trình, sách giáo khoa mới, bởi đội ngũ các thầy cô giáo có yếu tố quyết định đến thành công của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Về phần mình, bản thân đội ngũ nhà giáo cũng tự nâng cao trách nhiệm, chủ động tiếp cận chương trình, các bộ sách giáo khoa mới; tích cực đổi mới phương pháp giáo dục; tăng cường hiệu quả sử dụng các phương tiện dạy học, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin... khi mà thời gian thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 không còn nhiều.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện kỹ lưỡng, đồng bộ và có như thế mới bảo đảm tạo nên một nền tảng giáo dục vững chắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.