Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho người sử dụng mạng xã hội

Việt Nga thực hiện| 07/05/2017 07:04

(HNM) - Bên cạnh các tiện ích, mạng xã hội đang bộc lộ những mặt trái, tác động lớn đến đời sống xã hội. Nhiều quốc gia đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội ngăn chặn tác động tiêu cực, xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ông Lê Quang Tự Do.


Nhiều tiện ích nhưng không ít hệ lụy

- Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH) Facebook, trong đó chưa kể các MXH khác. Bản thân ông có tham gia MXH không? Nếu có, MXH phục vụ nhu cầu cá nhân hay cả công việc và ông dành bao nhiêu thời gian cho việc này?

- Tôi có một số tài khoản trên MXH, trong đó có Facebook, YouTube. Còn MXH trong nước, tôi từng có tài khoản trên Zing, Zalo, ngoài ra cũng tham gia một số MXH chuyên ngành theo sở thích, như nhiếp ảnh (vnphoto)… Ở góc độ cá nhân, tôi coi việc tham gia MXH là để chia sẻ, kết nối với người thân, bạn bè. Trong công việc, vào các trang MXH có sức ảnh hưởng lớn như Facebook, YouTube... để nắm thông tin và đây là cách phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý. Còn vấn đề thời gian dành cho MXH thì khó đo đếm được. Chẳng hạn, tôi vẫn thường xuyên nắm thông tin trên MXH giống như đọc báo, khi có vấn đề cần xử lý, tìm hiểu xu hướng dư luận thì có một bộ phận, công cụ phần mềm hỗ trợ thực hiện…

- Hiện hai MXH lớn nhất là Facebook và YouTube phát triển mạnh không chỉ ở Việt Nam. Vậy theo ông đâu là lý do?

- Sự phát triển của MXH là xu thế chung trên toàn thế giới, vì đáp ứng được những nhu cầu của con người, như chia sẻ, kết nối, khẳng định bản thân, kinh doanh và tương tác. Tại sao lại có 5 nhu cầu này? Vì trong quá khứ, không có loại hình truyền thông hay báo chí nào đáp ứng được cả 5 nhu cầu này cùng lúc cho đến khi MXH xuất hiện. Đặc biệt là tính tương tác, chẳng hạn có thể dẫn một bài báo, một tác phẩm văn học, một bản nhạc… lên MXH, ngay sau đó sẽ nhận được rất nhanh những góp ý, bình luận khen, chê... Hay với nhu cầu kết nối, thông qua MXH, con người từ khắp mọi nơi có thể làm quen với nhau; sử dụng lợi thế này để kinh doanh...

Những yếu tố này lý giải nguyên nhân hai MXH lớn nhất là Facebook và YouTube phát triển mạnh khi ước tính có 2 tỷ người dùng trên thế giới. Tại Mỹ, Facebook và YouTube chiếm tới 90% thị phần quảng cáo trực tuyến. Tại Việt Nam, Facebook hiện có 35 triệu người dùng. Google cũng đánh giá Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người sử dụng YouTube cao nhất thế giới. Cả hai hiện chiếm 40-50% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, vượt xa loại hình quảng cáo trên báo điện tử và báo giấy chỉ trong thời gian ngắn.

Đáng nói nữa là tại Việt Nam, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho MXH phát triển. Từ năm 2013 đến nay, cơ quan quản lý đã cấp phép cho 270 MXH hoạt động.

- Bên cạnh mặt tích cực thì MXH cũng có những mặt trái, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội như nhiều tài khoản đưa thông tin không chính xác, thông tin giả mạo, xâm phạm đời tư, xúc phạm cá nhân, tổ chức… Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Bên cạnh mặt tích cực là thỏa mãn nhu cầu chính đáng của con người thì MXH đang có nhiều yếu tố tiêu cực. Đó là thông tin không chính xác ảnh hưởng đến đời sống xã hội, lợi ích của cá nhân và cộng đồng, thậm chí đe dọa đến an ninh quốc gia; tin giả, tin sai sự thật, xúc phạm bôi nhọ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; buôn bán kinh doanh mặt hàng cấm, lừa đảo, trốn thuế; lợi dụng MXH, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá nhà nước, kích động chia rẽ dân tộc, tôn giáo, kêu gọi khủng bố, bạo loạn lật đổ nhà nước... Các hành vi đó ngày càng lan truyền trên MXH, trở thành vấn nạn chung của toàn cầu chứ không riêng một quốc gia nào.

Tôi có thể lấy ví dụ ở Mỹ, “cái nôi” sinh ra MXH. Sau cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2016, một số nghị sĩ Mỹ đã đặt vấn đề về tin giả, tin sai sự thật có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của nước này. Tại Châu Âu, nước Đức đã ban hành đạo luật xử phạt tới 500.000 euro nếu nhà cung cấp dịch vụ không hợp tác với Chính phủ xử lý thông tin bịa đặt ảnh hưởng đến nhà nước...

Cuối tháng 12-2016, Trung Quốc đã ban hành bộ luật an ninh mạng quy định “giới hạn đỏ” mà người sử dụng và nhà cung cấp MXH phải tuân thủ. Ở Việt Nam, tháng 12-2016, Bộ TT-TT ban hành Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, để quản lý trang MXH ở nước ngoài cung cấp vào Việt Nam. Trước đó, từ năm 2014, Bộ TT-TT đã có Thông tư 09/2014/ TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và MXH.

Một vài ví dụ trên cho thấy, việc quản lý MXH được triển khai ở nhiều nước chứ không riêng Việt Nam, để hướng đến mục tiêu chung là xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho người sử dụng. Việc một số đối tượng rêu rao, quản lý MXH là vi phạm tự do ngôn luận, vi phạm tự do internet... là hoàn toàn sai trái. Mục đích của chúng ta là quản lý, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, đang bị lên án không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới.

- Vậy cơ quan chức năng đã có thống kê về mức độ ảnh hưởng, thiệt hại do việc đưa thông tin sai sự thật trên MXH chưa, thưa ông?

- Có thống kê về ảnh hưởng nhưng bức tranh tổng quát thì chưa. Có thể kể ra một số vụ việc điển hình mà các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng và phải chịu nhiều hệ lụy khó khắc phục. Như tháng 11-2016, một cá nhân ở tỉnh Đắc Nông đưa lên Facebook của mình hình ảnh phản cảm của quan chức Trung Quốc nhưng gắn vào việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) giải trình việc yêu cầu giáo viên đi tiếp khách… Thông tin sai sự thật này ngay sau đó được chia sẻ kèm theo lời bình luận xúc phạm cán bộ ngành Giáo dục, nói xấu đất nước.

Hay việc một tài khoản Facebook đưa thông tin bịa đặt đoàn xe của Chủ tịch Quốc hội về thăm tỉnh Bến Tre, trong khi thực tế đây là cuộc diễn tập quân sự của địa phương, còn Chủ tịch Quốc hội lúc đó đang trực tiếp điều hành phiên họp Quốc hội tại Hội trường Ba Đình. Thông tin bịa đặt này có hơn 10.000 lượt chia sẻ trên Facebook theo chiều hướng tiêu cực, với lời lẽ kích động, trực tiếp ảnh hưởng đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Khi Bộ TT-TT làm rõ sai phạm, người đăng tải phải xin lỗi, đính chính, gỡ bỏ thông tin, nhưng phần lớn những người bình luận, chia sẻ lại không có động thái khắc phục hậu quả, không thấy trách nhiệm của mình khi lan truyền thông tin không đúng. Như vậy, mức độ khắc phục hậu quả rất thấp.

Cần “hành lang” cho công tác quản lý

- Vừa qua, Bộ TT-TT đã làm việc với đại diện Tập đoàn Google (chủ quản của YouTube) và Tập đoàn Facebook. Hai nhà cung cấp dịch vụ này đã có những cam kết cụ thể để xây dựng môi trường MXH an toàn, lành mạnh. Ông có thể chia sẻ thêm về sự kiện này?

- Tôi muốn nhấn mạnh 3 điều đáng ghi nhận sau các cuộc làm việc này. Thứ nhất, cả Google và Facebook đều khẳng định tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều mà trước đây họ chưa cam kết công khai. Thứ hai, họ cam kết phối hợp với cơ quan nhà nước xây dựng môi trường MXH lành mạnh, an toàn, chống thông tin xấu, độc. Thứ ba, họ thiết lập cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ hơn với Chính phủ, Bộ TT-TT, mà trực tiếp là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử.

Trước đây, khi liên hệ với Google gỡ videoclip xấu, độc chúng ta phải cung cấp rất nhiều thông tin mà để thống kê được mất rất nhiều thời gian… Sau khi làm việc, Google hoàn toàn tin tưởng vào sự sàng lọc của Bộ TT-TT và sẵn sàng tiếp nhận các link videoclip có nội dung xấu, độc để gỡ bỏ.

- Được biết, để có được cuộc làm việc với đại diện hai tập đoàn Google và Facebook cũng không đơn giản. Vậy điều gì khiến đại diện của hai tập đoàn này sang làm việc với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, thưa ông?

- Thứ nhất, Việt Nam đang là thị trường phát triển nhanh, mạnh của Google và Facebook, trong khi bản thân hai đơn vị này cũng cần môi trường pháp lý ổn định, rõ ràng, minh bạch để phát triển. Thứ hai, là nhiều nước trên thế giới cũng yêu cầu các nhà cung cấp này phải tuân thủ pháp luật nước sở tại. Do vậy, việc Việt Nam yêu cầu cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Trước đây, MXH mới ra đời và phát triển thì mặt tích cực được thấy nhiều hơn. Khi phát triển đến ngưỡng nhất định, tiêu cực để lại hậu quả nghiêm trọng, thì toàn thế giới đã phải quan tâm, lên tiếng phản đối, đòi hỏi các nhà cung cấp phải khắc phục. Thứ ba, trong quá trình đàm phán, Việt Nam khẳng định luôn tạo điều kiện để MXH hoạt động đúng pháp luật tại Việt Nam. Và cả 3 yếu tố này đã đem lại kết quả đàm phán thành công.

- Để MXH phát triển lành mạnh, an toàn cần có “hành lang” pháp lý. Ở góc độ quản lý nhà nước, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã tham mưu Bộ TT-TT như thế nào, thưa ông?

- Thực tế, riêng cơ quan quản lý nhà nước không đủ nguồn lực để quản lý được tất cả MXH, internet nói chung, mà cần sự chung tay của cả nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng và các cơ quan báo chí.

Để có “hành lang” pháp lý cho MXH phát triển lành mạnh, an toàn, chúng tôi đã đề xuất Bộ TT-TT tham mưu Chính phủ sửa các quy định liên quan đến quản lý internet theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người sử dụng. Cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò xử lý và sẽ xử phạt nặng các vi phạm.

Bên cạnh quy định “cứng”, cũng cần có quy định “mềm” bằng sự thỏa thuận giữa người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ; đó cũng là thông lệ của thế giới. Bộ đang phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên MXH cho người sử dụng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Trong đó, có quy định trách nhiệm theo dạng “mềm”, như phong tục tập quán, mối quan hệ, mà văn bản quy phạm pháp luật không quy định được.

Liên minh Châu Âu cũng đã ký hợp tác với 4 nhà cung cấp MXH lớn (Facebook, YouTube, Twitter và Microsoft); Mỹ bắt buộc các nhà cung cấp MXH phải có quy định sử dụng MXH; cả Facebook, YouTube đều có tiêu chuẩn cộng đồng… Tham khảo các quy định chung này, chúng ta xây dựng một bộ quy tắc phù hợp với đặc điểm văn hóa của người Việt Nam. Tiếp đến là sự vào cuộc của cơ quan báo chí, phát hiện sai phạm, xu hướng tiêu cực trên MXH, góp phần điều chỉnh hành vi sử dụng, góp ý cho cơ quan quản lý nhà nước xử lý kịp thời…

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho người sử dụng mạng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.