(HNM) - Công nghiệp hỗ trợ được coi là bộ phận quan trọng, đóng vai trò to lớn trong tái cơ cấu ngành Công nghiệp. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy lĩnh vực này, song kết quả chưa như kỳ vọng. Cùng với những đề xuất của các doanh nghiệp, thành phố đã có kế hoạch, chiến lược để phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020.
Chưa xứng với thế mạnh của Hà Nội
Đề cập đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Hiện tại, các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thế mạnh như linh kiện ô tô, xe máy, vật liệu điện, bao bì, linh kiện điện tử... đã dần thay thế sản phẩm nhập khẩu, từ đó nâng tỷ lệ nội địa hóa, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp trong nước. Đơn cử, tỷ lệ nội địa hóa linh kiện xe máy hiện đã đạt hơn 80%.
Không chỉ phục vụ sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố còn tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần tăng trưởng xuất khẩu. Có thể kể đến Công ty cổ phần Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm băng tải sấy sang thị trường Nhật Bản. Hay như Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ đã xuất khẩu sản phẩm dây chuyền tự động hóa; Công ty cổ phần Công nghệ Smika Việt Nam xuất khẩu chi tiết cơ khí cho máy làm chất bán dẫn; Công ty cổ phần Van Vina xuất khẩu các loại van...
Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tương xứng với thế mạnh của Hà Nội - một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hikari P&T Vietnam (đơn vị sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực phụ kiện ngành nhựa và kim loại vật liệu), một trong những khó khăn khiến doanh nghiệp chưa phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ do còn thiếu quỹ đất và nguồn vốn. "Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhà máy, đầu tư thêm cơ sở sản xuất để đáp ứng các đơn hàng, cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật từ đối tác như Canon, Samsung, L&G..., nhưng vướng về kinh phí để thuê mặt bằng. Chúng tôi muốn thuê đất và đầu tư tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, nhưng hiện giá đất tương đối cao", ông Nguyễn Đức Cường nêu vấn đề.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giang Sơn bày tỏ: Hiện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cung ứng các linh kiện, phụ kiện ngành điện công nghiệp, dân dụng - điện tử phụ trợ cho công nghệ cao, muốn mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh lại gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù chính sách Nhà nước đã ban hành, song cơ chế cho vay từ các ngân hàng và tổ chức tài chính còn bất cập, doanh nghiệp khó được hưởng ưu đãi.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng: Chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ của thế giới đã được định hình và rõ thị phần từ lâu, trong khi đó Việt Nam mới quan tâm phát triển thời gian gần đây. Do vậy, Nhà nước cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực, điều chỉnh phù hợp từng thời kỳ, tạo môi trường và nâng đỡ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 18%
Đóng góp cho định hướng phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Hoàng cho rằng: Việc sớm xây dựng phương án phát triển trên cơ sở cơ cấu lại ngành Công nghiệp Thủ đô đến năm 2025, tầm nhìn năm 2045 dựa vào những kế hoạch khoa học xuất phát từ thực trạng số lượng doanh nghiệp, năng lực, vốn, lao động và thị trường, là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá được ngành công nghiệp hỗ trợ đang ở đâu, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm thúc đẩy...
Còn Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng thông tin: Tháng 4-2019, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2019-2020. Theo đó, đến hết năm 2020, giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Nội; chỉ số phát triển của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng hơn 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp 2 năm (2019-2020) đạt 9,78-10,79%/năm, để đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016-2020 tăng 8,6-9%/năm.
Thực hiện kế hoạch này, thành phố điều tra, khảo sát khoảng 1.000 doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, như chế biến - chế tạo, điện - điện tử, công nghiệp vật liệu, dệt may... Thông tin thu thập được phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội…
Cũng theo ông Đàm Tiến Thắng, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường; nghiên cứu, xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài ở một số thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...; tổ chức hội chợ, triển lãm về các ngành công nghiệp chế tạo, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất sản phẩm cuối cùng và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Sở cũng đã kết nối doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ trong việc quản lý, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.
“Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... Đây là điều kiện quan trọng giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thêm động lực phát triển, phấn đấu đưa tỷ lệ giá trị sản xuất tăng từ 10% lên 18% như mục tiêu đề ra”, ông Đàm Tiến Thắng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.