Văn hóa

Tạo “mã định danh” người Hà Nội Bài 3: Đổi mới quản trị xã hội và giáo dục

Nhóm phóng viên 22/08/2024 - 06:35

Với sự thay đổi không ngừng của thời đại, những phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội tiếp tục được bồi đắp, nhưng cũng không tránh được sự “va đập” với các tác động tiêu cực của đời sống mới.

Làm thế nào để tạo dựng hệ giá trị người Hà Nội trong thời đại mới vừa mang đậm nét tinh hoa truyền thống ngàn năm, vừa hấp thụ những nét đẹp của một xã hội mở, hội nhập? Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục trao đổi sâu về vấn đề này.

hs.jpg
Các trường học của Hà Nội đưa nội dung giáo dục người Hà Nội thanh lịch, văn minh vào giảng dạy, góp phần giáo dục lối sống, hành vi ứng xử của học sinh.

Tận cùng của văn hóa là con người

- Như đã thảo luận trước đó, văn hóa, con người Hà Nội đang có nhiều thay đổi trước “cơn lốc” phát triển của thời đại, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ lên mọi lĩnh vực đời sống. Theo ông, nét tính cách, phẩm chất nào của người Hà Nội cần được được giữ gìn và lan tỏa?

- Người Hà Nội có rất nhiều phẩm chất đáng quý nằm trong nội hàm “thanh lịch, văn minh”. Theo tôi, dù trong xã hội nào, thời đại nào thì phẩm chất nhân ái, yêu thương con người cần phải được giữ gìn và lan tỏa. Hà Nội chỉ thật sự đẹp khi đẹp về văn hóa, mà tận cùng của văn hóa là con người. Vì thế, văn hóa đáng quý nhất là lối sống đẹp, con người ứng xử với nhau tinh tế, lịch thiệp, nhã nhặn, tôn trọng nhau, đặc biệt là phải có tình thương, lòng nhân ái.

- Chúng ta đã bàn về “va đập” văn hóa trước sự thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại, về sự vô cảm của con người. Theo ông, làm thế nào để nhân lên lòng yêu thương và nhân ái khi cuộc sống hiện đại đề cao chủ nghĩa cá nhân, lại xuất hiện nhiều cạm bẫy, chiêu trò lừa đảo khiến con người không còn tin vào lòng tốt, ngại va chạm và ngại can thiệp vào việc của người khác?

- Xã hội hiện đại đề cao tính cá nhân nhưng không có nghĩa là cắt đứt mối quan hệ cộng đồng và tình thân xung quanh. Chính nếp sống, thói quen tốt trong gia đình, sự giáo dục tốt trong trường học sẽ giúp con người khắc phục bệnh vô cảm, biết quan tâm đến người khác, nhất là những người yếu thế. Tôi luôn cho rằng, một tấm gương tốt bằng hàng vạn bài học hay. Chúng ta cần nhân lên những tấm gương tốt, điển hình trong nhà trường, xã hội… Mỗi người cần phải được nuôi dưỡng, giáo dục nhận thức về cái tốt, hành vi ứng xử đúng đắn để hình thành nên nhân cách. Con người chỉ phát triển, hoàn thiện được trong văn hóa và bằng văn hóa mà thôi.

- Giáo dục có vai trò quan trọng trong xây dựng người Hà Nội. Ông đánh giá như thế nào về những chuyển biến trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho lớp trẻ tại các trường học hiện nay?

- Cốt lõi của phát triển văn hóa chính là phát triển con người, vì thế, vai trò của giáo dục mang tính quyết định. Mọi hành vi, đạo đức, lối sống, cách ứng xử của con người đều phải được giáo dục, định hướng, chỉ bảo từ trong gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó, giáo dục trong gia đình là yếu tố cốt lõi. Trong gia đình, bố mẹ phải làm gương cho con cái, định hướng, rèn luyện các kỹ năng sống, cách ứng xử đúng mực để hình thành nên thói quen, ứng xử tốt cho con cái ngay khi còn nhỏ. Còn trong nhà trường, cùng với việc dạy kiến thức, còn phải bồi đắp đạo đức, phong cách ứng xử đúng mực với thầy cô, bạn bè…

Các trường học của Hà Nội đều đã đưa nội dung giáo dục người Hà Nội thanh lịch, văn minh vào giảng dạy từ nhiều năm nay, trong đó, đáng chú ý là bộ Tài liệu chuyên đề giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh. Đây chính là cách làm góp phần tích cực giáo dục lối sống, hành vi ứng xử của học sinh các cấp.

- Với sự thay đổi và phát triển rất nhanh của xã hội hiện đại, mỗi người dân sẽ trở thành công dân số, công dân toàn cầu. Theo ông, hoạt động giáo dục ứng xử thanh lịch, văn minh cho thanh thiếu niên nên được đổi mới như thế nào?

- Xây dựng, phát triển văn hóa và con người cần quá trình kiên trì, sáng tạo và linh hoạt. Việc đổi mới cách thức giáo dục là cần thiết, nhất là khi học sinh, sinh viên là những đối tượng tiếp cận gần nhất với công nghệ số. Các nhà trường nên có thêm những chương trình giáo dục hướng dẫn học sinh sử dụng không gian mạng an toàn, lành mạnh. Bên cạnh phương pháp giáo dục truyền thống theo tài liệu chuyên đề, cần có những tiết giáo dục thực tế, sinh động để mang lại hiệu quả cao hơn.

Cần cơ chế quản trị xã hội đặc thù

- Không ít người cho rằng, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, con người bận lo “cơm - áo - gạo - tiền” thì sẽ rất khó đòi hỏi ở họ một “phông” văn hóa cao, trong đó có văn hóa ứng xử. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi không nghĩ vậy. Nên nhớ rằng, đất nước từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, gặp không ít khó khăn, gian khổ trong quá khứ nhưng người Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung vẫn sống với nhau chân tình, đoàn kết, bác ái, kiên cường và rất tự trọng. Những phẩm chất đáng quý của người Hà Nội được hình thành từ gian khó và tích lũy dần, kết tụ thành tinh hoa theo thời gian. Vì thế, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cuộc sống vật chất khó khăn mà ứng xử văn hóa kém đi.

Ở góc độ quản lý, đúng là cũng không thể đầu tư phát triển văn hóa tốt trong điều kiện kinh tế kém. Vì thế, chúng ta cần đầu tư phát triển đồng thời cả kinh tế và văn hóa.

- Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, trước đó thành phố cũng đã ban hành hai Quy tắc ứng xử; và mới nhất là Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Là người theo sát quá trình phát triển văn hóa Thủ đô, ông đánh giá sự chuyển biến trong xây dựng, phát triển văn hóa người Hà Nội thời gian qua ra sao?

- Sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các nhiệm kỳ cho thấy, Hà Nội rất quyết tâm trong việc xây dựng con người văn hóa, coi đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, thành phố đã và đang rất chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân. Nhiều trung tâm văn hóa được hình thành, nhiều công viên được xây dựng - văn minh và nhiều tiện ích hơn. Nét đẹp văn hóa trong ứng xử của người Hà Nội cũng đã tốt hơn rất nhiều. Nhiều phong trào, mô hình được thực hiện trong các cơ quan, đoàn thể như: Mô hình “Bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”. Trong các khu dân cư, tổ dân phố hình thành nhiều phong trào thi đua làm xanh - sạch - đẹp đường làng ngõ xóm, những mô hình như “biến bãi rác thành vườn hoa”... đang dần làm cuộc sống của người dân văn minh hơn.

Mặc dù vậy, đâu đó trong các phong trào vẫn còn mang tính hình thức, nhiều nét ứng xử chưa đẹp còn tồn tại như nạn nói tục, chửi bậy, vứt rác không đúng nơi quy định... Việc phát triển văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn còn đứng trước nhiều thách thức.

- Vậy theo ông, để tạo sự chuyển biến và hiệu quả mạnh mẽ hơn trong xây dựng người Hà Nội, nên có những biện pháp quyết liệt hơn?

- Cái cần nhất là xây dựng nền quản trị quốc gia hữu hiệu, khoa học, thật sự vì con người. Việc này không còn là nhiệm vụ riêng của Hà Nội, mà phải từ cấp Trung ương. Hà Nội với vị trí, vai trò là Thủ đô sẽ có nét phát triển đặc thù khác với những tỉnh, thành phố khác. Vì thế, để Thủ đô phát triển đúng tầm, trong đó có phát triển văn hóa và con người, Hà Nội cần có “đặc quyền” riêng, cơ chế đặc thù riêng trong quản trị xã hội.

Tới đây, khi Luật Thủ đô đi vào đời sống, thành phố chắc chắn sẽ có nhiều biện pháp, nguồn lực hơn để gìn giữ và phát triển văn hóa Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để phát triển văn hóa Hà Nội, xây dựng người Hà Nội xứng danh với vị thế mới của Thủ đô, đất nước, Hà Nội cần có nguồn ngân sách xứng đáng cho văn hóa, từ đó có thể đầu tư, nâng cấp, duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu một cách thực chất; tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, làm công tác văn hóa; xây dựng các sản phẩm văn hóa độc đáo, đặc sắc...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo “mã định danh” người Hà Nội Bài 3: Đổi mới quản trị xã hội và giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.