Văn hóa

Tạo “mã định danh” người Hà Nội

Nhóm phóng viên 20/08/2024 - 06:12

LTS: Qua bao thăng trầm lịch sử, người Hà Nội vẫn giữ cho mình phong cách thanh lịch, hòa nhã, tinh tế và được tiếp nối thêm sự văn minh, trở thành những “mã định danh” cho lối sống, cách nghĩ và phẩm giá của một Thủ đô văn hiến, anh hùng.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Báo Hànộimới trân trọng gửi tới độc giả loạt bài “Tạo “mã định danh” người Hà Nội”, để cùng với các khách mời - những nhà quản lý, chuyên gia, nhà văn hóa, đại sứ… khám phá sâu hơn các khía cạnh văn hóa người Hà Nội trong thời kỳ mới.

Bài 1: Tinh hoa hội tụ

Người Tràng An - Người Hà Nội, đó là danh xưng vừa tha thiết, vừa tự hào, bởi “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Những phẩm chất tích tụ qua hàng ngàn năm lịch sử đã bồi đắp thêm tinh hoa của Thăng Long - Hà Nội, khiến ai sống nơi đây, hay đến mảnh đất này, đều đắm say và muốn “giải mã” đến tận cùng những nét riêng quyến rũ ấy. “Chân dung” người Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử như thế nào?

Phóng viên Báo Hànộimới đã tìm câu trả lời qua góc nhìn của những người đã có thời gian dài sống và gắn bó sâu sắc với Thủ đô.

ao-dai.jpg
Chương trình “Áo dài kết nối di sản và du lịch Hà Nội” thu hút nhiều người dân tham gia. Ảnh: Quang Thái

Người Hà Nội giản dị, thân thiện, không chấp nhận sự cẩu thả

Gần 10 năm đảm đương cương vị đứng đầu Đảng bộ thành phố (2006-2015), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị luôn dành sự quan tâm rất lớn đối với văn hóa, con người Hà Nội.

Trong chia sẻ của mình về người Hà Nội, đồng chí Phạm Quang Nghị cho rằng, nói đến người Hà Nội, người ta sẽ nói ngay đến phẩm chất “thanh lịch” - nét tính cách gần như được chỉ riêng cho người Hà Nội. Đó là cách ứng xử nhẹ nhàng, tinh tế, khiêm nhường, không khoa trương. Nhưng nói đến tính cách người Hà Nội, không thể không nói tới tính cầu toàn, làm việc gì cũng mong muốn đạt đến sự hoàn hảo. Người Hà Nội không chấp nhận sự qua loa, vội vàng, cẩu thả và cũng không dễ dàng chấp nhận sự bắt chước, bê nguyên xi kinh nghiệm của bất cứ nơi nào. Bởi người Hà Nội vốn sâu sắc, tinh tế vô cùng. Thường ngày, người Hà Nội luôn nhẹ nhàng, tĩnh lặng như mặt nước Hồ Gươm; lịch lãm, duyên dáng như nét xưa phố cổ và nồng nàn như hoa sữa về khuya... Nhưng khi bước vào những thử thách cam go, người Hà Nội hiên ngang, lẫm liệt trong tư thế rồng bay, sẵn sàng "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", làm nên những chiến công bất diệt...

Cũng theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, người Hà Nội vốn sâu sắc, tinh tế, kiệm lời, vì thế còn có một nét riêng đáng quý khác, đó là dù yêu thích, hoặc không vừa ý về một điều gì, họ sẽ tinh tế bày tỏ mong muốn, suy nghĩ của mình một cách ý nhị, khéo léo, mà vẫn chân thành. Người Hà Nội thận trọng khi phát ngôn bởi không bao giờ muốn làm phật lòng, tổn hại đến ai, cũng như không bao giờ muốn làm phiền người khác. Đôi khi, người Hà Nội sẽ nhún nhường, chịu phần thiệt thòi hơn để tạo hòa khí, thân thiện.

Hà Nội là nơi hội tụ đậm đặc, tiêu biểu nhất cho trí tuệ, tâm hồn, bề dày truyền thống Việt Nam và có sức lan tỏa tới các vùng miền khác. Dòng chảy lịch sử với lớp trầm tích văn hóa dày dặn, phong phú đã hình thành nên tính cách người Hà Nội với những phẩm chất thanh lịch, hào hoa, tinh tế rất riêng. Bởi thế, hiểu được người Hà Nội quả không dễ!

Trong khi đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về người Hà Nội, đó là sự giản dị, chan hòa, thân thiện. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến Hà Nội vào mùa thu năm 1980, đường phố Hà Nội rất thanh bình, yên ả. Khi ấy, người Hà Nội chủ yếu di chuyển bằng xe đạp; xe máy và ô tô rất ít. Mặc dù ngày đó, cả xã hội khó khăn, Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc và đang phục hồi, xây dựng đất nước nhưng người Hà Nội vẫn giữ được nét ứng xử nho nhã, lịch thiệp, thân thiện, trọng tình nghĩa. Tôi đã học tập với rất nhiều người bạn Hà Nội. Họ luôn cho tôi những ấn tượng tốt đẹp về tác phong, ứng xử, cách nói chuyện tinh tế, chân thành, khiêm tốn và vô cùng ấm áp, nhân ái”.

Người Hà Nội trọng chữ tín, trọng nghĩa tình, sáng ngời bản lĩnh tiên phong

hang-bac.jpg
Một góc phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Thành Đạt

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng có nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội. Ông đúc kết: “Nhìn lại những gì Thủ đô trải qua trong thế kỷ XX, một nét nổi bật là trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, bản lĩnh tiên phong, làm gương của người Hà Nội đã lan tỏa ra cả nước, tạo sức hút và động lực cho toàn dân tộc”.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ ngày 9-11-1946, Hà Nội chính thức là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, tính tiên phong của người Hà Nội được thể hiện rất rõ trong giai đoạn này. Trong những năm tháng Toàn quốc kháng chiến, lòng yêu nước của người Hà Nội thể hiện rất cao với tinh thần hừng hực “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Người Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ không chỉ với vũ khí, mà còn bằng tâm hồn lãng mạn: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”...

Trong những giai đoạn sau này, khi phải chống chọi với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào tháng 12-1972, tinh thần chiến đấu ngoan cường, bản lĩnh và trí tuệ của người Hà Nội tiếp tục tỏa rạng. Trong 12 ngày đêm anh dũng, kiên cường chiến đấu với cuộc không kích bằng B52 của Mỹ, quân và dân Hà Nội đã làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris năm 1973. Sau năm 1975, đất nước đứng trước nhiều khó khăn mới trong công cuộc dựng xây đất nước. Hà Nội tiếp tục đi đầu trong công cuộc đổi mới, với nhiều mô hình phát triển kinh tế, gương điển hình tiên tiến vượt qua thách thức. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong các giai đoạn đều có dấu ấn đậm nét của người Hà Nội.

Còn với Giáo sư - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, nhìn ở góc độ văn hóa đô thị, Hà Nội có sự vận động, chuyển biến không ngừng trong hơn 1000 năm qua. Từ một kinh thành của đất nước ở thời kỳ phong kiến cho đến thế kỷ XIX - XX khi thực dân Pháp đô hộ, trung tâm Hà Nội chỉ vỏn vẹn ở “36 phố phường”. Sau này, diện tích Hà Nội được mở rộng, phát triển trở thành đô thị lớn, hiện đại... Bởi vậy, Hà Nội là nơi tinh hoa hội tụ, ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau như: Văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, văn hóa Kinh Bắc...

Mặc dù là đất buôn bán, tập hợp nhiều làng nghề, nhưng phẩm chất, tính cách của con người vùng cố đô ăn vào trong tâm thức khiến người Hà Nội xưa rất sợ mang tiếng, không thích làm phiền nên gần như họ làm gì cũng sẽ tận tâm và hết sức, đối đãi nhau chân thành, nhún nhường, không cực đoan và rất thận trọng trong lời ăn tiếng nói... Con người Hà Nội rất trọng chữ tình, chữ tín, mặc dù có cạnh tranh, nhưng là cạnh tranh lành mạnh, không phô trương. Những phẩm chất ấy tích lũy theo thời gian, trở thành nét tính cách rất riêng và dần kết thành tinh hoa của người Hà Nội.

Với họa sĩ Lưu Vinh, Hà Nội trong ông luôn để lại dấu ấn về sự nghĩa tình. Gia đình họa sĩ Lưu Vinh sống ở khu tập thể của Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương trên phố Thụy Khuê, nơi tập trung rất nhiều gia đình nghệ sĩ. Ngày đó, mỗi nhà chỉ rộng chừng 20m2 nhưng ai cũng thân tình, yêu quý nhau. Mọi vui, buồn trong khu tập thể đều được các gia đình chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ; trẻ con vui chơi với nhau như anh em; sinh hoạt của cả khu đầm ấm như một đại gia đình.

“Đó là những tháng ngày tươi đẹp của tôi, cũng là một giai đoạn đẹp của Hà Nội”, họa sĩ Lưu Vinh nói.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo “mã định danh” người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.