(HNM) - Ngày 28-11, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa ngày 9/6/2014. |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định, từ vụ án này và thực tế diễn biến hiện nay, bài học cần rút ra là cần tăng cường kiểm tra "sức khỏe" các tổ chức tín dụng để ngăn chặn sở hữu chéo tiêu cực.
- Thưa ông, dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt đến phiên tòa xét xử vụ án "bầu" Kiên; đồng thời coi vụ án là điển hình của việc sở hữu chéo. Có ý kiến cho rằng, từ khi vụ việc được phát hiện, vẫn chưa có thêm trường hợp nào được xử lý?
- Không hẳn vậy, thời gian qua, một số trường hợp sở hữu chéo đã được xử lý. Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện thể chế để xử lý những bất cập, lũng đoạn trong sở hữu chéo. Đây là vấn đề không đơn giản, vì thực tế không phải chỉ có chéo đơn thuần mà chéo thắt lại với nhau; thậm chí, còn thắt đúng luật. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải quản lý được nhóm cổ đông, những người có liên quan trong ngân hàng. Cũng cần phải thấy rằng, không phải tất cả sở hữu chéo là tiêu cực, cần triệt tiêu. Ví dụ ngân hàng nước ngoài mua cổ phần ngân hàng của Việt Nam, đó chính là sở hữu chéo. Đây là trường hợp sở hữu chéo bình thường. Còn sở hữu chéo làm cho vốn điều lệ của ngân hàng "nở phồng" lên nhưng lại không phải là vốn thực là tiêu cực. Hay còn là những khoản cho vay qua lại với nhau để che giấu khoản nợ thực.
- Vậy theo ông, giải pháp nào là hữu hiệu nhất để xử lý sở hữu chéo tiêu cực?
- Để quản lý được sở hữu chéo, phải có hành lang pháp lý đầy đủ. Cụ thể hóa luật của các tổ chức tín dụng về vấn đề quản lý các cổ đông; yêu cầu niêm yết trên thị trường chứng khoán và minh bạch thông tin về các quan hệ cổ đông của ngân hàng… là nội dung trọng tâm.
- Ngoài việc thanh lọc hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các ngân hàng quốc doanh để tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Theo ông như vậy có phù hợp?
- Hiện nay Chính phủ sử dụng nhiều công cụ để tái cơ cấu, trong đó có việc Ngân hàng Nhà nước thông qua các ngân hàng quốc doanh để hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là phải bảo đảm an toàn hệ thống, cho nên khi thấy một ngân hàng có nguy cơ mất khả năng thanh toán thì cơ quan này cùng với một ngân hàng quốc doanh hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng đó. Sau đó là chuyển hóa dần, thậm chí là quốc hữu hóa.
- Thoái vốn ngân hàng là một phần bắt buộc nằm trong lộ trình tái cấu trúc mà Chính phủ đã phê duyệt cho các tập đoàn kinh tế. Nhưng tại sao tiến độ lại chậm, thưa ông?
- Vì họ sợ trách nhiệm. Tuy nhiên, việc thoái vốn cần phải có thời gian, nhưng quan trọng là phải làm rõ việc thoái vốn đó và việc làm thất thoát vốn. Vấn đề tôi quan tâm nhất hiện nay là vốn doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu hơn 1 triệu tỷ đồng, thì nhà nước phải thu về cổ tức ít nhất là 50 nghìn tỷ đồng hoặc tệ lắm cũng phải 30-40 nghìn tỷ đồng hằng năm. Thời gian qua, cổ tức của Nhà nước hầu như không thu, năm ngoái mới được 6.000-7.000 tỷ đồng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là làm rõ trách nhiệm để doanh nghiệp nhà nước đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.