(HNMO) - Ngày 21-10, Quốc hội đã nghe Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Chính phủ. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đã chia sẻ đánh giá về những kết quả đã nêu trong báo cáo và khẳng định, đây là những nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế trong thời gian tới.
- Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã cho thấy những "điểm sáng" trong bức tranh kinh tế. Là đại biểu Quốc hội và cũng là chuyên gia kinh tế, xin ông chia sẻ những đánh giá về kết quả này?
- Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, điều khiến tôi ấn tượng nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp và không thuận lợi, song kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng khá cao, đạt mức trên 6,8%. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp, kinh tế nước ta tăng trưởng ở mức khá. Ấn tượng thứ hai đó là, việc chúng ta vừa đạt được mức tăng trưởng khá, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc kiểm soát lạm phát tốt, trong 5 năm liên tiếp ở mức dưới 4%.
Điểm nổi bật nữa là chúng ta đã kiểm soát được mức độ bội chi ngân sách và kéo nợ công xuống mức 56,1% GDP; từ đó tạo ra dư địa để có nguồn vốn đầu tư trong tương lai. Một kết quả khác cũng rất ấn tượng là đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%; năng lực cạnh tranh quốc gia cũng được cải thiện liên tục. Đây chính là những nền tảng vững chắc để bảo đảm kinh tế sẽ phát triển tốt hơn trong giai đoạn kế tiếp.
- Bên cạnh những điểm sáng, Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2020, ông đánh giá thế nào về những giải pháp đó và có đề xuất gì để duy trì kết quả đã đạt được?
- Chính phủ đã đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Cá nhân tôi cho rằng, trong số những giải pháp mà Chính phủ đã nêu, chúng ta cần tập trung thực hiện quyết liệt một số giải pháp. Trước tiên là đề cao vai trò của Quốc hội trong kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, cần nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, nhất là về hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển nền kinh tế số. Chúng ta cũng cần tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân sao cho khu vực này trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Để thực hiện điều này, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho khu vực tư nhân phát triển.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.