(HNM) - Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vừa là mục tiêu vừa là giải pháp trong hành trình phát triển một nền nông nghiệp hiện đại. Những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, trước hết thuộc về người nông dân nên hơn ai hết, họ phải là trung tâm, là chủ thể của nông nghiệp số.
Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số là xu thế tất yếu của thời đại; đồng thời là cơ hội để loại bỏ những nhược điểm cố hữu như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, kém hiệu quả..., hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, có trách nhiệm với người tiêu dùng trên cơ sở minh bạch dữ liệu và thông tin. Thời gian vừa qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Những mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp hình thành ngày càng nhiều trên địa bàn Hà Nội và cả nước đã mang đến những giá trị mới có tính bền vững. Không chỉ giúp người nông dân hạ thấp chi phí sản xuất, thu hẹp và loại bỏ các khâu trung gian vốn là vấn đề nan giải nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ số đã, đang từng bước đưa nền nông nghiệp vận hành theo phương thức truyền thống sang một nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.
Tuy nhiên, có một thực tế là, tỷ lệ nông dân được tiếp cận và thành công trong ứng dụng công nghệ số chưa nhiều, chưa đủ sức dẫn dắt và tạo đột phá. Mặt khác, nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tư duy hợp tác, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ… nhưng đây lại là hạn chế của những người nông dân vốn vẫn gắn bó với phương thức sản xuất truyền thống… Do vậy, để chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, các cơ quan chức năng, địa phương cần đồng hành, hỗ trợ người nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Trước hết cần xác định, chuyển đổi số không phải là việc riêng của ngành Nông nghiệp hay người nông dân. Yếu tố cốt lõi mang đến thành công của công cuộc chuyển đổi số là phải tích hợp được dữ liệu và tạo được sự liên thông… Do vậy, các cơ quan chức năng, các địa phương cần vào cuộc một cách đồng bộ với các giải pháp mang tính đột phá.
Cùng với việc đẩy mạnh kết nối hoạt động sản xuất với bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề dịch vụ, du lịch nông thôn, Hà Nội và các địa phương cần tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra các dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn…; đồng thời hỗ trợ người nông dân phát huy vai trò làm chủ của mình trong nền nông nghiệp số.
Với ngành Nông nghiệp, bên cạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, cần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ nông nghiệp số… và đặc biệt là chú trọng triển khai các mô hình mẫu về nông nghiệp thông minh… Mặt khác là khẩn trương xây dựng khung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ người nông dân tiếp cận với lĩnh vực này, qua đó giúp các hộ sản xuất tiếp nhận nhiều hơn những thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Những thành công trong việc tiêu thụ nông sản theo hình thức trực tuyến trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua cho thấy lợi thế cũng như sự cần thiết của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Phía trước dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng rõ ràng đây là cơ hội để người nông dân tạo đột phá mới theo hướng chuyên nghiệp, từ đó tiếp cận và làm chủ nền nông nghiệp hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.