(HNM) - Đến xã Cổ Đô, Ba Vì sẽ thấy những cánh đồng lúa trải dài, những ruộng hoa mầu nối đuôi nhau, những trang trại thủy sản bát ngát, các ngả đường thôn xóm đều được bê tông hóa…
Từ dồn điền đổi thửa…
Trang trại nuôi thủy sản của một hộ gia đình tại Cổ Đô.
Ruộng đất ở Cổ Đô phân bố ở các vùng địa hình khác nhau nên manh mún, hiệu quả sản xuất thấp. Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Cổ Đô cho biết, công tác DĐĐT ở Cổ Đô được triển khai cách đây 5 năm. Đảng ủy, UBND xã ban hành nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch chỉ đạo các HTX. Lúc đó, UBND huyện Ba Vì có cơ chế hỗ trợ 400 ngàn đồng/ha chuyển đổi và UBND xã hỗ trợ 3 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng. HTX Cổ Đô được chọn làm điểm thành công, sau đó mở rộng tiếp 3 HTX còn lại. Xã Cổ Đô có 4 thôn, với tổng diện tích đất nông nghiệp 331ha, khi chưa DĐĐT trung bình mỗi hộ dân có từ 14 đến 18 thửa, mỗi thửa chỉ trung bình khoảng 160m2. Sau khi thực hiện DĐĐT, hộ nhiều nhất chỉ còn 5 thửa, hộ ít là 1-2 thửa, trung bình cả xã mỗi hộ 3 thửa, diện tích mỗi thửa tăng lên 634m2.
Để DĐĐT thành công, UBND xã đã tập trung quy hoạch đất đai, giao thông, thủy lợi, hoàn thành lắp đặt các loại ống cống qua đường, qua mương để tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cán bộ kỹ thuật hợp tác xã thường xuyên bám ruộng đồng, tư vấn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho người dân thâm canh tăng năng suất. Sau khi dồn đổi toàn bộ diện tích trồng trọt hiệu quả thấp, những cánh đồng trũng được chuyển sang xây dựng trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi. Đây là cơ sở quyết định cho việc hình thành những trang trại lớn, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Cổ Đô.
Việc DĐĐT đã tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như máy gặt đập liên hợp; thực hiện gieo sạ lúa theo hàng, vụ lúa vừa qua xã có 182ha được gieo sạ trên tổng số 262ha; 70% làm đất cơ giới hóa. Hiệu quả sử dụng đất trên diện tích tăng 2,7 lần; năng suất lúa đạt 65,67 tạ/ha, giá trị mỗi hécta đạt trên 70 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Dần, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì khẳng định, sau khi DĐĐT, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, Cổ Đô đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất tập trung, hiệu quả như vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản rộng 20ha; khu vực đồng trũng 150ha chuyển sang nuôi thủy sản thuộc HTX Tân Đô và vùng còn lại có diện tích khoảng 200ha trồng 2 vụ lúa và 1 vụ mầu. Đến nay, nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao, từ 80 đến 180 triệu đồng/năm, những hộ đầu tư cao cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.
… đến xây dựng nông thôn mới
Xã Cổ Đô được UBND huyện Ba Vì chọn đầu tư thí điểm mô hình NTM giai đoạn 2010-2013. Theo kết quả rà soát hiện trạng xã có 2 tiêu chí đạt, 4/19 tiêu chí cơ bản đạt và 13 tiêu chí chưa đạt. Xã đã xây dựng đề án NTM với tổng số vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, chia theo giai đoạn: năm 2010 là 41 tỷ đồng, năm 2011 là 123 tỷ đồng, năm 2012 là 149 tỷ đồng và năm 2013 là 75 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thủy cho rằng, trong xây dựng NTM, thách thức lớn nhất đối với các địa phương là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với các vùng quê thuần nông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, muốn nâng cao thu nhập quan trọng nhất là phải thực hiện DĐĐT, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị đất đai. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo, tiểu ban chỉ đạo DĐĐT và các tổ giúp việc nhằm tuyên truyền vận động nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đồng thời mở nhiều cuộc họp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Công cuộc xây dựng NTM ở Cổ Đô đang phát triển thuận lợi nhờ đột phá trong việc DĐĐT, các hộ hăng hái chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo hiệu quả cao trong sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.