Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá cho Đông Nam Bộ

Phương Nam - An Tôn| 30/11/2022 06:26

(HNM) - Dư luận khu vực phía Nam đặc biệt chú ý đến các nội dung được bàn thảo tại Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được tổ chức ngày 26-11 mới đây. Hội nghị đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp... về các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá cho vùng Đông Nam Bộ phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh được đề xuất là đầu mối liên kết Đông Nam Bộ để toàn vùng phát triển.

Nhận diện những điểm nghẽn

Đông Nam Bộ gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh. Đây là trung tâm công nghiệp, xuất nhập khẩu lớn nhất, đóng góp 32% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Vùng cũng đóng góp 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt 67%. Đây cũng là vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI của nước ta.

Tuy nhiên, Đông Nam Bộ còn gặp nhiều “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển. Lớn nhất trong số đó là hạ tầng giao thông và cơ chế phát triển. Về hạ tầng giao thông, toàn vùng chỉ có 1 tuyến cao tốc dài hơn 50km (thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây). Các tuyến đường bộ còn lại phần lớn nhỏ hẹp; tải trọng cầu hạn chế, giao thông đồng mức gây xung đột và ách tắc giao thông. Sân bay Tân Sơn Nhất lớn nhất cả nước luôn trong tình trạng quá tải; chưa có kết nối đường sắt, đường bộ, đường thủy trong vùng…

“Giao thông đường thủy cũng chưa thể phát huy tiềm năng. Toàn vùng có 6 tuyến nội địa, nhưng nhiều cầu vượt sông trên các tuyến chính không bảo đảm tĩnh không, khoang thông thuyền thấp nên tàu trọng tải lớn không thể qua lại; thiếu hạ tầng logistics để phát triển vận tải thủy từ các địa phương trong vùng về các cảng biển xuất, nhập khẩu lớn nhất cả nước là Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và Cụm cảng Cát Lái”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Cường nhận định.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay, việc chưa có cơ chế liên kết vùng và những chính sách đặc thù khiến Đông Nam Bộ chưa thể phát huy hết sức mạnh vốn có của mình. Các địa phương đều lập quy hoạch riêng, nên không phát huy được hết thế mạnh của vùng, đôi lúc còn dẫn đến cạnh tranh, chồng chéo. Quá trình phát triển vùng chưa có “nhạc trưởng vùng”, nên chưa liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để phát huy nội lực, thế mạnh của từng địa phương, từ đó tạo sự phát triển chung.

Nhiều kỳ vọng và đề xuất

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ của Bộ Chính trị được ký ban hành ngày 23-11-2022, xác định rõ 7 nhóm nhiệm vụ.

Thứ nhất, quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ. Thứ hai, định hướng vùng phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Thứ ba, hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Thứ tư, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị vùng. Thứ năm, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thứ sáu, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Thứ bảy, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Chương trình hành động cũng đặt ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án kết cấu hạ tầng. Nhận định về vấn đề này, Trưởng bộ phận nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng, nếu sớm hoàn thành hệ thống đường bộ như: Vành đai 3, Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, các đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), hệ thống đường sắt, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành… sẽ tăng năng lực vận tải, góp phần phát triển kinh tế.

Về cơ chế, chính sách cho Đông Nam Bộ, Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất, cần đổi mới cơ chế hội đồng vùng với thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối, thay cho cơ chế luân phiên địa phương hằng năm như trước đây, vì hiệu quả thực tế không cao. Hội đồng vùng cũng cần được trao thêm nhiệm vụ đóng góp xây dựng chính sách của trung ương. Một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng phù hợp với thành phố Hồ Chí Minh cần được áp dụng cho toàn vùng, tạo sự phát triển chung.

“Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước, nên cần trao vai trò liên kết với 4 nội dung lớn, gồm: Liên kết sản xuất, kinh doanh; liên kết phát triển hệ thống giao thông của cả vùng; liên kết đào tạo nguồn nhân lực chung; liên kết xử lý các vấn đề môi trường chung”, Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá cho Đông Nam Bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.