Cải cách hành chính

Tạo “đột biến” trong phục vụ người dân, doanh nghiệp như kỳ vọng

Hiền Thu - Ảnh: Viết Thành 20/02/2024 16:35

Chiều 20-2, UBND thành phố Hà Nội công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính các sở, cơ quan tương đương và UBND các quận, huyện, thị xã năm 2023.

hanoi.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), Chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà.

Chỉ số CCHC tăng so với năm 2022

so-noi-vu.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh báo cáo tại hội nghị.

Báo cáo quá trình triển khai, phân tích kết quả Chỉ số CCHC năm 2023, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết: Bộ Chỉ số CCHC áp dụng cho các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã gồm 8 nội dung đánh giá (công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tác động CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố), với các tiêu chí đánh giá có tính định lượng cao đã được Ban chỉ đạo CCHC thành phố ban hành. Hội đồng thẩm định đánh giá, chấm điểm gắn với kết quả điều tra xã hội học do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội triển khai đo lường. Tổng số điểm tối đa là 100 điểm, trong đó: Tổng số điểm tối đa qua điều tra xã hội học là 30/100 điểm; tổng số điểm tối đa do Hội đồng thẩm định đánh giá là 70/100 điểm.

Hội đồng đánh giá gồm thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND thành phố, Thanh tra thành phố; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ.

Theo báo cáo, kết quả Chỉ số CCHC trung bình cả hai khối sở, cơ quan tương đương Sở và khối UBND các quận, huyện, thị xã đều tăng so với năm 2022. Khối sở và cơ quan tương đương sở: Chỉ số CCHC trung bình năm 2023 là 88,46% (tăng 2,73% so với năm 2022). Khối quận, huyện, thị xã: Chỉ số CCHC trung bình năm 2023 là 94,01% (tăng 1,26% so với năm 2022).

Nhiều đơn vị có sự cải thiện về kết quả chỉ số CCHC so với năm 2022. Đặc biệt, khối sở đã có nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác CCHC nói chung. Mức độ tăng chỉ số trung bình so với năm 2022 của khối sở và cơ quan tương đương sở tăng cao hơn so với khối quận, huyện, thị xã (khối sở tăng 2,73%, khối huyện tăng 1,26%).

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh, Bộ chỉ số CCHC giai đoạn 2023-2030 vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của thành phố và chỉ đạo mới của Trung ương.

Nhiều thay đổi về thứ hạng

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh đã công bố quyết định phê duyệt và công bố Chỉ số CCHC năm 2023 của các sở, cơ quan tương đương sở; UBND các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, kết quả Chỉ số CCHC 2023 của các sở, cơ quan tương đương sở, dẫn đầu là Sở Nội vụ đạt 94,25%, thứ hai là Sở Tài chính (93,89%), tiếp theo lần lượt là: Sở Khoa học và Công nghệ (93,47%); Sở Du lịch (93,44%); Văn phòng UBND thành phố (93,42%)...

Đơn vị có Chỉ số CCHC thấp nhất khối các sở, cơ quan tương đương sở là Thanh tra thành phố (63,96%).

z5176243717836_fe1f4c95d57639de47c086526756ebac.jpg

Kết quả Chỉ số CCHC 2023 của UBND các quận, huyện, thị xã, dẫn đầu là quận Đống Đa, đạt 96,38%, thứ hai là quận Nam Từ Liêm (95,76%), tiếp theo lần lượt là: Quận Hoàn Kiếm (95,75%); quận Cầu Giấy (95,22%); huyện Thanh Trì (95,21%)...

Đơn vị có Chỉ số CCHC thấp nhất là huyện Phú Xuyên (91,61%).

z5176243658362_bf789f2685dcc7acc552442fdc7515d4.jpg

Như vậy, so với năm 2022, thứ hạng nhiều đơn vị có sự thay đổi. Năm 2022, dẫn đầu khối sở, cơ quan tương đương sở là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (91,68%); đứng cuối là Sở Thông tin và Truyền thông (80,90%) thì năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã vươn lên vị trí thứ 11 (89,58%). Đối với khối quận, huyện, thị xã, dẫn đầu là quận Hoàn Kiếm (96,08%), đứng cuối là huyện Ứng Hòa (88,86%) thì năm 2023, huyện Ứng Hòa đã vươn lên vị trí thứ 19 (93,89%).

Tại hội nghị, tham luận về việc triển khai mô hình sáng kiến trong hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tại huyện Ứng Hòa, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Thiết cho biết: Năm 2023, huyện đã ban hành nghị quyết về khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, phấn đấu nâng cao Chỉ số xếp hạng CCHC huyện giai đoạn 2023-2025. UBND huyện đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện với 24 chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế với 21 nhiệm vụ. Trong năm 2023, UBND huyện Ứng Hòa đã hoàn thành 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, UBND huyện và 29 xã, thị trấn đã tổ chức thực hiện, nhân rộng mô hình sáng kiến, giải pháp ý tưởng mới, thực hiện áp dụng các mô hình CCHC tại các cơ quan, đơn vị và các địa phương, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Cần tiếp tục quyết tâm, đổi mới

Kết luận hội nghị, cảm ơn các bộ, ngành đã hướng dẫn Hà Nội thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh bày tỏ vui mừng khi chỉ số trung bình của cả thành phố được nâng lên. Các cơ quan, sở, ngành, quận, huyện, thị xã đều có nỗ lực khi có bước cải thiện đều trên dưới 2%.

ong-thanh.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Hoan nghênh một số đơn vị có chuyển biến tích cực, đột phá, Chủ tịch UBND thành phố cũng chia sẻ với các đơn vị dẫn đầu bởi sẽ có áp lực trong năm 2024 cần tiếp tục giữ vững thứ hạng, nỗ lực hơn. Theo Chủ tịch UBND thành phố, các đơn vị xếp hạng thấp còn nhiều dư địa để phát triển, thay đổi, bứt phá trong năm 2024.

ong-thanh-1.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong cải cách hành chính năm 2023.

Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: Chúng ta đã có nhiều chuyển biến, cảm nhận được từng bước từ quản lý thủ tục hành chính sang quan điểm phục vụ người dân, doanh nghiệp. Dù vậy, chưa có sự “đột biến” trong phục vụ người dân, doanh nghiệp như kỳ vọng. Qua hội nghị lần này, trong năm 2024, các đơn vị cần tiếp tục quyết tâm, đổi mới tổ chức bộ máy, quy trình thủ tục, cải cách tài chính công... Hà Nội đang và tiếp thực thực hiện đồng bộ các vấn đề này.

Cho rằng công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số thực chất, có hiệu quả thì lợi ích mang lại cho xã hội vô cùng lớn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp và người dân, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực sự chú trọng quy trình thủ tục, tiến độ công việc, thái độ phục vụ của từng cán bộ, chuyên viên với tinh thần: “Đẩy nhanh ngày nào, tốt ngày đó”.

Lưu ý một số công việc còn chậm, muộn, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Văn phòng UBND thành phố theo dõi chặt chẽ các nhiệm vụ được giao cho các đơn vị; Sở Nội vụ tiếp tục cải tiến bộ chỉ số đánh giá về cải cách hành chính…

ba-ha.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong cải cách hành chính năm 2023.

Dịp này, 17 tập thể và 18 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo “đột biến” trong phục vụ người dân, doanh nghiệp như kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.