Cải cách hành chính

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh: Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả cải cách hành chính

Hiền Chi thực hiện 07/01/2024 - 06:29

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số thành phố Hà Nội cùng sự tham mưu cụ thể, khoa học, rõ nét của Sở Nội vụ và các đơn vị, công tác cải cách hành chính năm 2023 của Thủ đô đã có bước tiến vượt bậc, được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, thành phố sẽ tiếp tục lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của công tác cải cách hành chính...

noi-vu.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh.

Những kết quả nổi bật

- Xin đồng chí cho biết điểm mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố Hà Nội đối với công tác cải cách hành chính năm 2023?

- Năm 2023, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã có nhiều đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Trong đó, thành phố lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, có tính dẫn dắt, chi phối, tác động đến sự phát triển, cũng như tập trung quyết liệt giải quyết những tồn tại, hạn chế là điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU (ngày 7-8-2023) về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”; UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND (ngày 13-10-2023) về việc “Tăng cường trách nhiệm, tập trung xử lý các “điểm nghẽn” trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp”... Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đó là nguyên nhân quan trọng tạo nên kết quả Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2023 tăng 6,27%, cao hơn so với bình quân cả nước.

HĐND thành phố đã thực hiện giám sát các cơ quan, đơn vị trong thành phố về công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “3 rõ” trong công tác cải cách hành chính: Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ.

Đặc biệt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã chỉ đạo hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Ban Chỉ đạo công tác chuyển đổi số và các tổ công tác giúp việc thành Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số. Thành phố cũng đã thực hiện 1.045 cuộc kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, thủ tục hành chính.

- Sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt đó đã mang lại kết quả nổi bật gì, thưa đồng chí?

- Hà Nội đã triển khai đồng bộ 6 nội dung của công tác cải cách hành chính và đạt được kết quả khá toàn diện. Nổi bật là thành phố đã tăng cường phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính đến các quận, huyện, thị xã và sở, ngành, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Toàn thành phố đã ủy quyền 578 thủ tục hành chính, đạt 94%. Hiện, thành phố đã chỉ đạo đánh giá kết quả xây dựng, triển khai thực hiện phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính sau một năm thực hiện để sớm có phương án, giải pháp ủy quyền hợp lý nhất, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Thành phố đã rà soát, đơn giản hóa được 122 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 935 thủ tục hành chính; phê duyệt 1.369 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt là xây dựng quy trình, quy chế giải quyết công việc nội bộ, góp phần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sót việc hoặc chậm giải quyết thủ tục hành chính. Một điểm nổi bật nữa là quận Hoàn Kiếm đang triển khai thí điểm tổ chức bộ phận “một cửa” theo khu vực.

Về cải cách tổ chức bộ máy, thành phố đã tập trung rà soát về cơ cấu, tổ chức bộ máy, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp. Kết quả, thành phố giảm 6 chi cục thuộc sở; giảm đầu mối bên trong chi cục 52 đơn vị; giảm 16 trạm thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; tăng 14 phòng chuyên môn thuộc sở (6 phòng do giải thể các chi cục, 8 phòng thành lập mới để phù hợp với khối lượng công việc được giao); tổ chức sắp xếp lại Trung tâm Phát triển quỹ đất 3 đơn vị (Sóc Sơn, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm)...

Về cải cách tài chính công, về tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân
vốn đầu tư công, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một trong những đòn bẩy để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, đến ngày 30-11-2023, toàn thành phố đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là 33.415 tỷ đồng, đạt 71,2% kế hoạch Trung ương giao đầu năm; đạt 62,9% kế hoạch thành phố giao...

- Thành phố Hà Nội luôn ưu tiên phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tiến độ thực hiện nội dung này đến nay như thế nào, thưa đồng chí?

- Hà Nội đã hoàn thành việc cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản mới nhất, việc xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP); xây dựng, ban hành 5 quy định quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của thành phố.

Trong năm 2023, thành phố đã đưa vào và vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; ứng dụng quản lý cuộc họp Ban Cán sự đảng UBND thành phố, UBND thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các bộ, ngành, Chính phủ.

noi-vu-1.jpg
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Nguyễn Quang

Quyết tâm cải thiện các chỉ số

- Hà Nội nhận tin vui khi Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 được công bố cho thấy sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Kết quả này có được là do Hà Nội đã tập trung xây dựng kế hoạch để cải thiện nâng cao các chỉ số, nội dung bị đánh giá thấp của các Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Quá trình tổ chức thực hiện tạo được sự thống nhất từ thành phố đến cơ sở, thường xuyên có các cuộc giao ban đánh giá tiến độ khắc phục các chỉ số.

Trong năm 2023, Sở Nội vụ cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo sửa đổi, hoàn thiện 2 bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số cải cách hành chính của sở, cơ quan tương đương sở (khối sở) và bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số cải cách hành chính của UBND quận, huyện, thị xã (khối huyện). Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số cải cách hành chính của khối sở gồm 117 tiêu chí; bộ tiêu chí đánh giá khối huyện gồm 102 tiêu chí. Các tiêu chí này mang tính định lượng cao, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị và bước phát triển của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, thành phố tổ chức thành công hội thảo khoa học “Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội”, là cơ sở quan trọng để xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024.

- Vậy, năm 2024, thành phố Hà Nội tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào trong công tác cải cách hành chính?

- Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố đặt ra các chỉ tiêu và nội dung, nhiệm vụ rất cụ thể cho từng nội dung công tác. Trong đó, thành phố phấn đấu: Chỉ số PAR Index xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số SIPAS đạt tối thiểu 85%. 100% phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về thủ tục hành chính, quy định hành chính được các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố tiếp nhận, xử lý và thông báo công khai kết quả giải quyết kịp thời theo quy định.

Thành phố cũng phấn đấu 100% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn. Riêng lĩnh vực tài nguyên môi trường và kế hoạch đầu tư đạt tối thiểu 99% số hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn. 100% các thủ tục hành chính được ủy quyền có quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính kèm theo. 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng...

Để đạt được các mục tiêu đó, thành phố tiếp tục xác định trọng tâm cải cách hành chính là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Công tác cải cách hành chính cần gắn với thực hiện nghiêm túc chủ đề công tác năm 2024 của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của công tác cải cách hành chính, chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh: Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.