(HNM) - Việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết nông sản tác động mạnh mẽ và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Đây có thể xem là “chìa khóa”, là động lực phục hồi tăng trưởng của nông nghiệp Thủ đô sau “cơn bão” Covid-19.
Tuy nhiên, để tạo dựng các chuỗi liên kết đủ tầm nhằm cung ứng ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường Hà Nội, rõ ràng còn nhiều việc phải làm.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung thì các chuỗi liên kết nông sản vẫn hoạt động ổn định. Không chỉ tạo nguồn cung nông sản an toàn cho thị trường, hoạt động của các chuỗi còn góp phần bình ổn giá, ổn định cuộc sống của người dân Thủ đô. Đồng thời, tạo ra những cơ hội mới trong sản xuất, kinh doanh. Do vậy, có thể nói, sản xuất theo chuỗi là một trong những giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện tại.
Thành phố hiện có 138 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường hơn 60 tấn thịt lợn, 36 tấn gia cầm, 100 tấn rau an toàn… Tuy nhiên, cũng có một thực tế là hoạt động của các chuỗi chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như tiềm năng phát triển của thị trường Thủ đô. Nhiều chuỗi liên kết chưa có sức cạnh tranh cao, việc quảng bá giới thiệu sản phẩm cũng như nhận diện sản phẩm an toàn còn nhiều hạn chế. Chưa kể tình trạng tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian, dẫn tới giá bán bị đội lên rất nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất…
Để các chuỗi liên kết nông sản phát huy vai trò động lực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Hà Nội, cần tập trung đồng bộ các giải pháp để vừa khắc phục những hạn chế bất cập, vừa tạo bước chuyển mới hướng tới sự phát triển bền vững.
Trước mắt là chú trọng xây dựng các chuỗi theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tất cả các khâu, từ sản xuất đến thu gom, sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng, kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc…
Tiếp đến, cùng với việc dựng và quản lý thương hiệu cho từng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi tại các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các kênh phân phối khác để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm...
Cùng với đó, phát triển các chuỗi gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để xây dựng những sản phẩm nông nghiệp, làng nghề là thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, chú trọng xây dựng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật; đào tạo năng lực quản trị của các hợp tác xã, doanh nghiệp làng nghề; thu hút hoặc xây dựng tổ chức trung gian làm môi giới tài chính, môi giới thương mại để các sản phẩm địa phương vươn tới thị trường trong nước và quốc tế.
Mặt khác, cùng với tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ (tập trung vào khâu giống; quy trình sản xuất, chế biến; quản lý chuỗi giá trị) cần tạo cơ chế, thu hút đầu tư vào các cụm chế biến công nghệ cao, khép kín tại vùng chuyên canh. Đồng thời, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cũng như các dịch vụ hậu cần ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ thương mại nông sản. Từ đó hình thành các vùng sản xuất gắn với các nhà máy chế biến để nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Ưu tiên phát triển các chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chắc chắn chuỗi liên kết nông sản an toàn sẽ thực sự là “chìa khóa”, là động lực thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô sau khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.