Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực mạnh mẽ xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại

HT| 01/10/2015 07:48

(HNMO) - Ngày mai, 2-10, Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 – 2015 sẽ chính thức khai mạc.

Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng từ năm 2010 - 2015, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn tiếp theo (2016 - 2020). Đồng thời biểu dương, tôn vinh những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo động lực mới, khí thế thi đua mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trong thời gian tới. Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015 là Đại hội: “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại”

Cầu Nhật Tân đẹp lung linh về đêm.


Người người thi đua, nhà nhà thi đua

 Hà Nội luôn là một trong những địa phương luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. 5 năm qua, thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng, Thành phố đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành, hàng năm Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố đã tham mưu xây dựng nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Ban Tuyên giáo Thành uỷ chỉ đạo các cơ quan thông tin tuyên truyền của Thành phố phổ biến rộng rãi nội dung Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi và các văn bản chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Trung ương, Thành phố. Các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành đoàn thể, đơn vị thuộc Thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt tới toàn thể đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên các hội quần chúng.

Hàng năm, Thành phố và các cấp, các ngành phát động thi đua thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tái cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững. 5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Kết quả cụ thể trên một số ngành, lĩnh vực như sau: Ngành công nghiệp - xây dựng: với các phong trào "Ôn luyện tay nghề - Thi thợ giỏi", "Giỏi một nghề, biết nhiều việc", "Năng suất - Chất lượng - Chống lãng phí", “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Thi đua cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm” đồng thời đề ra nhiệm vụ trọng tâm xây dựng sản phẩm chủ lực, tập trung vào các ngành có trình độ công nghệ cao, các nhóm sản phẩm công nghiệp có lợi thế và thương hiệu hội nhập khu vực và quốc tế; quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển các làng nghề, phố nghề truyền thống... Thông qua phong trào thi đua góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị gia tăng bình quân 5 năm ước tăng 9%.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn: Với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, triển khai các giải pháp, biện pháp thực hiện Chương trình 06 của Thành uỷ về “Phát triển kinh tế ngoại thành, xây dựng nông thôn mới”. Phong trào thi đua thực hiện “Dồn điền, đổi thửa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, "Thi đua vì một nền nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm", xây dựng mô hình “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, từng bước hiện đại nông thôn” được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Cơ cấu nội ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị gia tăng bình quân ước tăng 2,4%/năm, GTSX nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng khá, bình quân đạt 4,3%/năm. Nông nghiệp được cơ cấu phát triển theo hướng sinh thái, hiện đại, kỹ thuật cao; nhiều mô hình như mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, hoa, cây ăn quả chất lượng cao, giá trị sản xuất lớn ở các huyện Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất... với giá trị 0,5 - 1,5 tỷ/ha/năm; mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư như ở Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hoà, Chương Mỹ, Quốc Oai,... với giá trị 1 - 2tỷ/ha/năm...

Trong 5 năm qua, đã có xuất hiện trên 34.000 lượt gương người tốt, việc tốt (tăng bình quân mỗi năm 6,2%), trên 44.866 lượt cán bộ, chiến sỹ được các cấp khen thưởng (tăng 64% so với năm 2010). Tiêu biểu như phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trung đoàn Cảnh sát cơ động; Phòng Tình báo; Công an huyện Gia Lâm; Đội điều tra tổng hợp - Công an quận Hoàng Mai; Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên cán bộ phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, "Hiệp sĩ giao thông"; Đại tá Trần Đức Long - nguyên Chánh thanh tra Công an Thành phố, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH; Trung tá Chu Thị Hoa - Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm...

Hà Nội đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp


Tạo động lực mạnh mẽ xây dựng đảng, chính quyền và hệ thống chính trị

Nhằm Tạo động lực mạnh mẽ trong xây dựng Đảng, Hà Nội đã phát động thi đua "Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh" gắn với Chương trình 01-CTr/TU ngày 18/8/2011 của Thành uỷ Hà Nội về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ Đảng và chất lượng đội ngũ Đảng viên, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ, đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tổ chức quán triệt các nghị quyết của Đảng tiếp tục được đổi mới theo hướng gắn học tập, nghiên cứu với xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được đẩy mạnh. Phong trào “Dân vận khéo” được tập trung đẩy mạnh, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các quy định của thành phố và các địa phương, đơn vị. Tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND Thành phố và HĐND các cấp, chú trọng đổi mới công tác tiếp xúc cử tri. Thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp của Thành phố. Công tác cán bộ có chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển và phân cấp quản lý cán bộ.

Công tác CCHC được tiếp tục đẩy mạnh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính. Tập trung vào công tác rà soát xử lý đảm bảo tính thống nhất trong phân cấp quản lý; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý kịp thời các vi phạm. Mở rộng mô hình "Một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với luật, nghị định mới ban hành và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo chuyển biến trong việc cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ hành chính cho tổ chức và công dân được triển khai đồng bộ, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo. Chú trọng các giải pháp phòng ngừa đi đôi với xử lý nghiêm minh các vi phạm. Thực hiện tốt việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời một số vụ việc bức xúc liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Quá trình thực hiện dân chủ hóa, gắn với đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô vào sự nghiệp đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh và nhân rộng điển hình trong phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động "Ngày vì người nghèo". 5 năm qua “Quỹ người nghèo” 3 cấp đã vận động được 207 tỷ 441 triệu đồng. Phối hợp xây dựng và sửa chữa 11.589 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo và hỗ trợ vốn sản xuất, khám chữa bệnh cho hộ nghèo, các cháu có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 181 tỷ 830 triệu đồng. Nét mới trong những năm qua là MTTQ đã cùng các ngành vận động các doanh nghiệp ủng hộ quỹ an sinh xã hội mỗi năm trên 100 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng dân sinh..., góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,09% (đầu năm 2011) xuống còn 1,91% (tháng 1/2015).

Sản xuất công nghiệp Hà Nội luôn tăng trưởng mạnh


Ngày càng nhân rộng các điển hình tiên tiến

Trong 5 năm qua, Thành phố đã có những biện pháp đổi mới trong phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) Thành phố tổ chức tuyên dương, khen thưởng hàng nghìn gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Người tốt, việc tốt”, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”. Triển khai cuộc thi viết về gương “Người tốt, việc tốt”; phát hành sách “Những Bông hoa đẹp”. Tổ chức cho các điển hình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong các hội nghị sơ kết, tổng kết...

Với những biện pháp, hình thức phong phú, đa dạng trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình, nhân tố mới, 5 năm qua số lượng điển hình tiên tiến các cấp được phát hiện ngày càng tăng. Bên cạnh những tấm gương điển hình là các nhà khoa học, nhà giáo, kỹ sư, công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, văn nghệ sỹ, các doanh nhân còn có cả giáo dân, tăng ni phật tử, người khuyết tật, lao động tự do... Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã được ghi nhận khen thưởng cao thời gian trước đây cơ bản vẫn phát huy được tác dụng, có tác động tích cực ở địa phương, đơn vị, nơi sinh sống, công tác.

Đạt được kết quả trên là do trong quá trình triển khai thực hiện, Thành phố luôn chủ động và triển khai linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng địa phương, Lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp từ Thành phố đến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: xây dựng các chuyên mục đẩy mạnh phong trào trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo đài của Thành phố và cơ sở; Hội Nông dân Thành phố với cuộc thi chủ đề "Nhà nông đua tài chung sức xây dựng nông thôn mới", Thành đoàn với cuộc thi "Xây dựng nông thôn mới - Trách nhiệm của Thanh niên", huyện Phúc Thọ tổ chức cuộc thi tìm hiểu xây dựng nông thôn mới trong sinh hoạt cộng đồng khu dân cư...; Hội LHPN Thành phố tổ chức toạ đàm theo các chuyên đề như "Vai trò của Hội phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới" của Hội LHPN Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành uỷ tổ chức toạ đàm với chủ đề "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống văn hoá mới ở nông thôn".

5 năm qua, số lượng khen thưởng toàn Thành phố đã phản ánh được tính tiêu biểu, nêu gương trong các phong trào thi đua ở các lĩnh vực, các đối tượng: Thành phố được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; các tập thể, cá nhân thuộc Thành phố được tặng thưởng Huân chương Độc lập các loại: 49 tập thể; Huân chương Lao động: 367 tập thể và 346 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 876 tập thể và 925 cá nhân; 05 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; Chiến sĩ thi đua toàn quốc: 08 cá nhân; 103 lượt đơn vị xuất sắc dẫn đầu các ngành thành phố được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 1.834 lượt đơn vị xuất sắc được UBND Thành phố tặng Cờ thi đua trong dịp tổng kết hàng năm; 11.588 lượt tập thể, 18.652 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND Thành phố (trong đó cán bộ cơ sở và người lao động trực tiếp là 17.772 cá nhân, chiếm 95,2%). 309 cá nhân được Thành phố tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua thành phố (trong đó: tỷ lệ lãnh đạo diện Thành uỷ quản lý chiếm 23,6%; trưởng phó phòng cấp sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện chiếm 31,7%; đối tượng là nhân viên, giáo viên và người lao động, trực tiếp sản xuất, công tác, học tập chiếm 44,6%).

Thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 2.961 trường hợp (trong đó có 256 phong tặng, 2.705 truy tặng). Chủ tịch nước đã có quyết định tặng thưởng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 2.670 trường hợp (trong đó có 248 phong tặng, 2.422 truy tặng).

Thông qua việc đổi mới chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đặc biệt là người đứng đầu về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có sự chuyển biến tích cực và từng bước nâng cao. Công tác thi đua, khen thưởng đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị xác định là biện pháp quan trọng; nhiều đơn vị cụ thể hoá tiêu chí thi đua để làm căn cứ đánh giá kết quả xếp loại cơ sở Đảng, Đảng viên và cán bộ, công chức, người lao động. Các phong trào thi đua đã từng bước đổi mới về nội dung, hình thức và phương thức hoạt động.

Việc tổ chức đăng ký thi đua, ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện đã trở thành nề nếp. Cùng với phong trào thi đua có tính truyền thống, nhiều phong trào thi đua mang tính chuyên đề cũng được kết hợp triển khai có hiệu quả. Các cụm thi đua từ Thành phố đến cơ sở đã nâng cao dần chất lượng hoạt động, công tác kiểm tra chéo, giao lưu trao đổi kinh nghiệm có kết quả. Sự đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua từ cơ sở lên thành phố đã góp phần tạo ra khí thế thi đua mới, đồng đều và rộng khắp. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các địa phương, đơn vị, các ngành nghề, các lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân của thành phố. Công tác khen thưởng đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng, kịp thời và chính xác, đúng quy định và có tác dụng nêu gương tốt.

Nhìn lại 5 năm qua, có thể khẳng định, phong trào thi đua của thành phố đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn thành phố góp phần hoàn thành tốt ba mục tiêu lớn: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Hoàn thành và vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV đề ra. Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Kinh tế tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá; xây dựng, quản lý đô thị, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; chính trị - xã hội trên địa bàn luôn ổn định; an ninh, quốc phòng, đối ngoại được củng cố và tăng cường. Thành phố cùng các địa phương, cơ sở, các cấp, các ngành và các cá nhân tiêu biểu đã được Đảng, nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực mạnh mẽ xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.