(HNM) - Mỗi dịp hè, hàng vạn tình nguyện viên (TNV) Thủ đô lại mang nhiệt huyết của tuổi trẻ lên đường tham gia các chương trình tình nguyện, xung kích phát triển kinh tế - xã hội… Đã khoác áo xanh tình nguyện thì không ai đòi hỏi gì, song để nuôi dưỡng phong trào tình nguyện, tiến tới hoạt động chuyên nghiệp thì rất cần có chính sách cho thanh niên tình nguyện (TNTN).
Sinh viên tình nguyện Thủ đô tận tình hướng dẫn thí sinh tìm tới những điểm thi ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố. Ảnh: Trọng Hải |
Tình nguyện vì cộng đồng
Hiện nay, tại 10 quận nội thành Hà Nội có 1.250 TNV thuộc các Đội "Giao thông xanh" và "Tình nguyện xanh" làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, giữ gìn môi trường định kỳ vào 4 ngày trong tuần (thứ hai, thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật). Đối với gần 100 đội "Giao thông xanh", trời nắng nóng, đứng liên tục tại ngã ba, ngã tư, lưu lượng xe qua lại nhiều, hít đủ thứ khói, bụi… họ vẫn không rời vị trí, vẫn nhiệt tình, kiên nhẫn cho dù thi thoảng vẫn nhận được cái nhìn, ánh mắt giễu cợt của một số người tham gia giao thông. Nguyễn Mạnh Hải, TNV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: "Những ngày đầu đi làm tình nguyện, chúng em không dám thổi còi, căng cờ, nhưng nhờ có các chú CSGT động viên, nên chúng em cũng đỡ ngại, làm vài lần rồi cũng quen". Sau 3 tháng khoác áo xanh tình nguyện, bản thân Hải và các thành viên khác đã mạnh dạn hơn nhiều, đặc biệt là có phản ứng kịp thời trước hành động của một số người thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Quách Văn Hùng (Học viện Ngân hàng) cho biết: "Chúng em đã căng cờ, thổi còi mà nhiều người vẫn không chịu dừng lại theo tín hiệu đèn đỏ. Một số người dừng lại còn trêu các tình nguyện viên nữ, thậm chí vượt đèn đỏ giật luôn cả cờ của chúng em. Những hành động không đẹp đó của một số người đi đường không làm chúng em nản, nhưng rất buồn".
Thành lập tháng 5-2011, 20 đội "Tình nguyện xanh" đã thường xuyên tham gia bảo vệ môi trường tại 7 địa bàn gồm: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực hồ Hoàn Kiếm, con đường Gốm sứ ven sông Hồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Vườn hoa Lênin, Công viên Thống Nhất, Vườn hoa Lý Tự Trọng. Sau hơn 10 tháng hoạt động, các đội "Tình nguyện xanh" đã tham gia hơn 600 buổi, thu gom rác thải, quét dọn tại các di tích, quét vôi gốc cây, cắt tỉa hoa, cành, khơi thông cống rãnh, dòng chảy… Bên cạnh đó, các TNV còn tuyên truyền đến người dân, nhất là những người kinh doanh, buôn bán nhỏ, hàng rong hãy nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan chung, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước đến Hà Nội. "Là SV học tập và sinh sống ở Thủ đô, em cũng muốn góp sức vào công tác bảo vệ cảnh quan, môi trường. Em cũng luôn nhắc nhở các bạn cùng trường, hãy hăng hái làm việc vì Thủ đô giàu đẹp, văn minh bằng hành động, việc làm ý nghĩa cho cộng đồng" - Nguyễn Trọng Bình, SV Trường ĐH Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội nói.
Kịp thời động viên tạo động lực mới
Nhằm tạo dựng lực lượng nòng cốt để phong trào TNTN trên địa bàn Thủ đô phát triển bền vững, hiệu quả cao, đầu năm 2012, Thành đoàn Hà Nội đã có Tờ trình với UBND TP Hà Nội đề nghị tạo điều kiện thành lập, triển khai 100 đội "Giao thông xanh" tham gia giữ gìn trật tự, bảo đảm ATGT tại các nút giao thông trọng điểm và các cổng trường học trên địa bàn TP Hà Nội năm 2012. Và tháng 3-2012, Thành đoàn Hà Nội tiếp tục có Tờ trình UBND TP Hà Nội đề nghị việc thống nhất chủ trương để Thành đoàn Hà Nội thành lập và triển khai hoạt động 20 đội "Tình nguyện xanh". Cả hai Tờ trình đều được UBND TP Hà Nội đồng ý về chủ trương thành lập, triển khai các đội TNTN theo đề xuất của Thành đoàn Hà Nội, giao cho các sở, ngành liên quan phối hợp tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả thiết thực, nhưng đến nay vẫn còn không ít vấn đề.
Chị Lê Thị Kim Huệ, Trưởng ban thanh niên đô thị An ninh và Quốc phòng Thành đoàn Hà Nội cho biết, tình nguyện là không bắt buộc, tuy nhiên rất cần có chính sách động viên kịp thời. Gần 6 tháng hoạt động (đội "Tình nguyện xanh" làm việc thứ bảy, chủ nhật; đội "Giao thông xanh" làm việc vào thứ hai và thứ sáu), dù chưa có chính sách hỗ trợ nào thì họ vẫn nhiệt tình. Song, để khơi gợi tinh thần tình nguyện của nhiều bạn trẻ khác, đồng thời ghi nhận thành quả mà các đội tình nguyện đã đạt được bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ thì rất cần có chính sách cụ thể, dù kinh phí hỗ trợ nhỏ nhưng có ý nghĩa ghi nhận việc làm của mỗi TNV.
Để phát triển phong trào TNTN, phải bắt đầu từ việc chăm lo lợi ích chính đáng của thanh niên, nhất là lực lượng xung kích vào các chương trình hành động. Ban hành chính sách động viên kịp thời chính là góp phần tạo động lực nhằm đa dạng hóa phương thức tổ chức, phát triển phong trào đồng bộ, liên tục và có đỉnh cao. Tuổi trẻ là nguồn lực sức mạnh tổng hợp, nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành công của mọi phong trào xung kích. Mong rằng, UBND TP Hà Nội sớm ban hành chính sách, dành nguồn kinh phí hỗ trợ các TNV, ghi nhận, tạo động lực mới cho TNTN hành động, khắc họa đậm nét hình ảnh đẹp màu áo xanh tình nguyện trong mắt mỗi người dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.