Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện tốt nhất để Thủ đô phát triển

Hương Ly| 18/02/2017 07:17

(HNM) - Những bất cập nảy sinh trong quá trình đô thị hóa như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải về cấp nước, xử lý rác thải... đòi hỏi TP Hà Nội phải sớm triển khai nhiều giải pháp tổng thể...

Đây là nội dung chính tại cuộc thị sát và làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với TP Hà Nội sáng 17-2. Cùng dự có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung xem sơ đồ toàn tuyến dự án Vành đai 3 mở rộng đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long. Ảnh: Nhật Nam


Áp dụng cơ chế đặc thù

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều công trình hạ tầng khung của thành phố đã được đầu tư, góp phần giảm tải áp lực giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những bất cập nảy sinh trong quá trình đô thị hóa đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải về cấp nước, xử lý rác thải... đòi hỏi TP Hà Nội sớm đưa ra một quy hoạch tổng thể, có nguồn vốn lớn để đẩy nhanh tiến độ các công trình quan trọng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của TP Hà Nội là thiếu vốn.

Đơn cử dự án mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội gồm 8 tuyến, với tổng chiều dài 384,67km, nhưng hiện mới chỉ triển khai được 2 tuyến. Dự án đường Vành đai 1, có tổng chiều dài khoảng 6,57km, đến năm 2015 đã cơ bản hoàn thiện đoạn Nguyễn Khoái - Hoàng Cầu, dài khoảng 4,3km; cần tiếp tục đầu tư đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, dài khoảng 2,27km để khép kín Vành đai 1. Dự án Vành đai 2,5 từ Khu đô thị Ciputra đến đường Vành đai 3, có chiều dài 20,212km, cần tập trung đầu tư 8 đoạn chưa triển khai, với kinh phí khoảng 8.300 tỷ đồng... Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành bố trí đủ nguồn vốn ODA đối ứng; cho phép thành phố áp dụng cơ chế đặc thù, xã hội hóa nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, về cấp nước, so với dự báo nhu cầu sử dụng nước của TP Hà Nội giai đoạn 2017-2018, lượng nước còn thiếu khoảng 300.000-350.000m3/ngày đêm. Vì vậy thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô và triển khai ngay một số dự án, trong đó có dự án nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) lên 50.000m3/ngày đêm, khai thác từ nguồn nước mặt sông Hồng và ủy quyền cho UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước. Trong quá trình thực hiện, thành phố sẽ xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện trước khi phê duyệt.

Trong lĩnh vực môi trường, thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư, xây dựng các khu xử lý rác thải tại Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), Đồng Ké (huyện Chương Mỹ).

Giải quyết đồng bộ các vấn đề

Trước buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cùng lãnh đạo thành phố khảo sát tại một số công trình và "điểm nóng" trong phát triển. Bởi thế, trước những đề xuất, kiến nghị của TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh tại Hà Nội đã nảy sinh những bất cập nêu trên. Trong khi, việc đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị còn chậm do thiếu nguồn lực, cơ chế chính sách. Vì thế, tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội để giải quyết đồng bộ các vấn đề, từ Quy hoạch phát triển đô thị tới tổ chức thực hiện. Các đơn vị cần tập trung rà soát lại quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, lưu ý kết nối giao thông đô thị lõi với đô thị ven đô để tạo ra những động lực phát triển mới cho Thủ đô.

Đối với Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm cấp bách, lựa chọn dự án ưu tiên, cùng với đó xây dựng cơ chế huy động vốn, đặc biệt là từ nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, thành phố cần kiểm soát chặt chẽ về tiến độ, chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tạo điều kiện tốt nhất để Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò đầu tàu kinh tế, trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, kinh tế… của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện tốt nhất để Thủ đô phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.