(HNMO) - Ngày 26-2, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong dẫn đầu Đoàn công tác của thành phố Hà Nội đến thăm, làm việc với một số đơn vị nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Tham gia đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai...
Báo cáo với đoàn công tác của thành phố, Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho biết, năm 2020, đơn vị đã cố gắng hoàn thành tốt các buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, do tác động của dịch Covid-19 phải tạm dừng hoạt động nên đơn vị gặp nhiều khó khăn, doanh thu đạt thấp.
Vì thế, đơn vị kiến nghị các sở, ngành liên quan của thành phố tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế đặc thù trong sử dụng lao động để phát triển trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19…
Trong khi đó, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội kiến nghị, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các sở, ngành liên quan của thành phố cần quan tâm, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về biên chế, cơ chế tự chủ cũng như đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động biểu diễn cho nhà hát.
Còn Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, dù tác động của dịch Covid-19 nhưng Nhà hát Chèo Hà Nội vẫn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao; bảo đảm đời sống vật chất cho các nghệ sĩ, diễn viên. Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh kiến nghị thành phố Hà Nội tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế đặc thù tuyển dụng các nghệ sĩ, diễn viên để phát triển nghệ thuật truyền thống chèo không bị mai một.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận, đánh giá cao những thành tích của các đơn vị nghệ thuật của thành phố Hà Nội thời gian qua. Đặc biệt, năm 2020 và từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch Covid-19 khi liên tục phải tạm dừng hoạt động nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đồng thời tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn đáp ứng nhu cầu của khán giả Thủ đô.
Chia sẻ những khó khăn trên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các sở, ngành liên quan của thành phố quan tâm hơn nữa để các đơn vị nghệ thuật của thành phố phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế cũng như phương án đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động biểu diễn của các đơn vị, cơ chế đặc thù về tuyển dụng lao động…
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc đẩy mạnh tự chủ không có nghĩa thành phố để các đơn vị tự hoạt động ngoài thị trường mà vẫn luôn tạo điều kiện để các đơn vị phát triển. Việc tự chủ còn giúp các nghệ sĩ, diễn viên cũng như lãnh đạo nhà hát chủ động hơn trong tổ chức bộ máy cũng như nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
“Thành phố luôn tạo điều kiện về mọi mặt, nhưng bản thân các đơn vị nghệ thuật cần chủ động hơn nữa để vừa phục vụ mục đích chính trị, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh việc giáo dục, quảng bá nghệ thuật truyền thống trong hệ thống các trường học của Hà Nội”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là cơ quan đầu mối của thành phố cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp các kiến nghị về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách, vấn đề tự chủ theo lộ trình… để tạo thuận lợi cho các đơn vị nghệ thuật của thành phố phát triển, các nghệ sĩ, diễn viên có thể sống được bằng nghề...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.