(HNM) - Công nghiệp hỗ trợ được xác định là một trong những lĩnh vực then chốt đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng.
- Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã được thành phố quan tâm thúc đẩy. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về vấn đề này?
- Thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với kế hoạch cho giai đoạn 5 năm 2021-2025 và từng năm. Năm 2021, Hà Nội có khoảng 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào 3 lĩnh vực: Sản xuất linh kiện điện - điện tử, lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo; phục vụ ngành dệt may, da giày; phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giá trị sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Về giải pháp hỗ trợ cụ thể, thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức hội chợ chuyên đề hằng năm kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ... Thành phố cũng hỗ trợ 150 triệu đồng/đơn vị tham gia hội chợ quốc tế; hỗ trợ tối đa tới 50% chi phí đầu tư cho dự án đổi mới công nghệ. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ quan tâm hỗ trợ thực chất nhất, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất nói chung phát triển.
- Mặt bằng sản xuất là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Việc này được giải quyết thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã kêu gọi đầu tư 43 cụm công nghiệp, nhưng do nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, nên mới khởi công 4 cụm, với diện tích khoảng 70-80ha. Dự kiến trong năm 2022, Hà Nội sẽ khởi công hết 43 cụm công nghiệp và trong 1-2 năm tới sẽ có hàng nghìn héc ta mặt bằng phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất. Nếu thực hiện tốt việc phát triển cụm công nghiệp theo quy hoạch, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 3.000ha đất công nghiệp, chưa kể diện tích đất khu công nghiệp khoảng 2.000-3.000ha nữa.
- Ông đánh giá thế nào về nội lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ?
- Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số doanh nghiệp trong nước đã nhận chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất khi đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Có doanh nghiệp đã phát triển, lớn mạnh hơn, song cũng có doanh nghiệp không thành công. Điều đó đặt ra vấn đề là phải hình thành tập đoàn, doanh nghiệp nội địa đầu đàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Mặt khác, chúng tôi thấy, doanh nghiệp nào đã tham gia vào chuỗi sản xuất đa quốc gia, đều nhận được rất nhiều ưu ái, hỗ trợ, được tạo điều kiện để chuyển giao công nghệ, giám sát quá trình sản xuất. Công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội sản xuất cho các hãng lớn, như: Toyota, Honda… có thể nói đạt tầm quốc tế. Còn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho doanh nghiệp trong nước, yêu cầu tiêu chí, tiêu chuẩn có thấp hơn. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho những ngành kinh tế chính, sản xuất sản phẩm hoàn thiện đòi hỏi ngày càng cao, vì vậy muốn tồn tại bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao.
Vấn đề hiện nay của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội không phải là công nghệ mà quan trọng nhất là thị trường. Các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế sản xuất sản phẩm không phải chỉ để phục vụ cho các công ty đa quốc gia ở Việt Nam, mà phải hướng tới nhiều thương hiệu toàn cầu khác. Để làm được điều đó, trước hết, yêu cầu nội địa hóa phải gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư FDI. Đó là cách gián tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, tăng thị phần.
- Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng doanh nghiệp. Vậy, doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua thách thức này, thưa ông?
- Dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn với doanh nghiệp trong nước nhưng cũng đã thúc đẩy việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng đón cơ hội, quảng bá sản phẩm, kết nối kinh doanh. Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tôi cho rằng, các doanh nghiệp phải tự lớn lên, căn cứ vào công nghệ hiện có của mình, căn cứ vào kiến thức học hỏi từ những nhà đầu tư nước ngoài, tự tạo ra một sản phẩm hoặc liên kết tạo ra nhóm sản phẩm hoàn thiện. Thực tế, nhiều doanh nghiệp như các tập đoàn: Sơn Hà, Sunhouse, Á Châu,… ban đầu chỉ tham gia chuỗi sản xuất quốc tế, rồi tích lũy công nghệ, tài chính, kết hợp nhu cầu thị trường để sáng tạo ra sản phẩm, tạo thương hiệu mang tầm quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.