Tìm cơ chế chính sách phù hợp trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tạo điều kiện cho hoạt động kiến tạo phát triển hạ tầng du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là nội dung được nhiều nhà khoa học, chuyên gia quan tâm, bàn thảo tại hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 19-10 tại Hà Nội.
Còn 100 dự án bất động sản du lịch “đắp chiếu”
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 239 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, tạo ra gần 100.000 căn condotel, 3.000 căn villa biệt thự, 15.000 phòng khách sạn. Sau một thời gian phát triển nóng, những năm gần đây, phân khúc này đã bị chững lại, thị trường gần như đóng băng. Ngoài tác động của Covid-19, nguyên nhân chính là do việc thiếu vắng chiến lược phát triển toàn diện cho ngành Du lịch, đặc biệt là cơ chế pháp lý cho việc khai thác tài nguyên đất đai phát triển cơ sở hạ tầng cho du lịch.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay, Nghị quyết 08/TƯ của Bộ Chính trị năm 2017 định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 160 triệu lượt khách trong nước, thì cần có thêm khoảng 500.000 căn phòng lưu trú, chưa kể chúng ta đang rất thiếu các khu thương mại, dịch vụ, kinh tế đêm... Hiện, cả nước mới phát triển được khoảng 1/3 hệ thống hạ tầng để đáp ứng mục tiêu trên. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vào các dự án bất động sản du lịch hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, phát triển các dự án du lịch hầu hết ở các vùng chưa có quy hoạch, chưa có hạ tầng, đầu mối giao thông. Nhà đầu tư phần lớn là khai phá, tự tạo ra giá trị cho khu vực. Song vướng mắc về pháp lý, kêu gọi vốn nên những năm gần đây, đầu tư vào bất động sản du lịch gần như dừng lại, không có thêm các dự án mới. Ngoài ra, có khoảng 100 dự án quy mô lớn đang “đắp chiếu” chờ điều chỉnh về pháp lý.
Khẳng định hệ thống hạ tầng du lịch của Việt Nam còn kém hơn các nước trong khu vực, trong đó có rất nhiều hạn chế, như: Quy mô cơ sở lưu trú tăng chậm, các cơ sở lưu trú chủ yếu là xếp hạng 3 sao hoặc không xếp hạng..., TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, nguyên nhân chính là do những “rào cản” về chính sách, đặc biệt là khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập; quy định về cấp, chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch (condotel, shophouse…) còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ... Đây là một trong những vướng mắc lớn, khiến nhiều nhà đầu tư còn e ngại.
Cần thúc đẩy hạ tầng du lịch
Để thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch, TS Cấn Văn Lực kiến nghị, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí (thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) có quy mô hoặc tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo…
Việc bổ sung trên có thể giúp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, nên xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, từ đó, tạo điều kiện để thu hút hơn nữa nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, thực tiễn, các dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà thực hiện thông qua việc nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất rất khó khăn và vướng mắc. Bởi pháp luật hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thỏa thuận với người dân có đất.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, luật sư Nguyễn Hồng Chung cho rằng, Luật Đất đai mới cần có quy định cụ thể về đất du lịch; có những chính sách, cơ chế thực sự cởi mở về đất đai, thuế, đầu tư…
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cũng cho rằng, nếu không cho phép thu hồi đất thì không thể triển khai được các dự án quy mô lớn (ví dụ như các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn hàng nghìn héc ta, vốn đầu tư vài tỷ USD) để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, giàu năng lực. Do đó, đây là vấn đề cần được nghiêm túc nhìn nhận...
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, luật sư đã có những phân tích, kiến giải, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế trong Luật Đất đai sửa đổi.
Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, các ý kiến trao đổi tại hội thảo sẽ được Báo tổng hợp, gửi các cơ quan chức năng tham góp ý kiến trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.