Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất động sản du lịch sắp qua kỳ “ngủ đông”?

Châu Phong| 02/02/2023 06:15

(HNM) - Mặc dù nhu cầu đầu tư lớn nhưng thời gian qua bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng vẫn chìm trong giấc “ngủ đông”. Nguyên nhân chính là do vướng mắc pháp lý, dòng tiền khó và ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Năm 2023, liệu bất động sản du lịch có “ấm” lên khi bắt đầu có những tín hiệu khả quan?

Tổ hợp nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort (tỉnh Vĩnh Phúc).

Nguồn cung sụt giảm

Tại báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2022 được công bố mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022, nguồn cung bất động sản tiếp tục sụt giảm mạnh. Bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng cũng rơi vào trạng thái này khi số lượng dự án được cấp phép mới trên cả nước cả năm 2022 chỉ có 12 dự án, bằng khoảng 23% so với năm 2021.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý IV-2022, cả nước có 18 dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng được chào bán, đưa ra thị trường 2.561 sản phẩm. Song nguồn cung này chủ yếu là hàng tồn kho từ quý trước trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều thách thức, hoạt động mở bán và đưa vào khai thác của một số dự án bị chậm tiến độ hơn so với dự kiến. Đáng chú ý, tỷ lệ hấp thụ của thị trường chỉ đạt khoảng 28%.

Báo cáo thị trường bất động sản 2022 của Tập đoàn Dịch vụ bất động sản DKRA Vietnam cũng cho thấy, nguồn cung bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong năm 2022 ghi nhận có sự hồi phục so với năm 2021, song mức tăng vẫn còn khá thấp so với thời điểm năm 2019 về trước. Cụ thể, ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường ghi nhận 4.795 sản phẩm mới đến từ 42 dự án trong năm 2022, tăng 20% so với năm 2021. Nguồn cung phân khúc shophouse nghỉ dưỡng cũng tăng 34% so với năm 2021 với 7.647 sản phẩm đến từ 27 dự án. Ngoài ra, theo DKRA Vietnam, sức cầu thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng ở mức cao, tuy nhiên chỉ tập trung cục bộ tại một số dự án trong 2 quý đầu năm 2022 và có dấu hiệu sụt giảm vào cuối năm.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản BHS Nguyễn Thọ Tuyển, thời gian qua, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng bị chìm trong “đáy” của khủng hoảng. Ngoài câu chuyện về giá, thì việc chưa có pháp lý rõ ràng, những “đứa con lai” condotel (căn hộ du lịch), shoptel (nhà phố du lịch),... vẫn chưa được định danh, dòng tiền khó... đã ảnh hưởng lớn đến lực cầu của thị trường. Bên cạnh đó, loại hình bất động sản này gặp đúng thời điểm dịch Covid-19 dẫn đến hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề nên bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng yếu thế trên “đường đua”.

Một góc Khu đô thị du lịch NovaWorld Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Liệu có “chuyển mình“?

Về triển vọng của thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, trong thời gian tới, nguồn cung sẽ vẫn hạn chế. Chỉ các chủ đầu tư có đủ nguồn lực mới có khả năng tiếp tục phát triển dự án. Bên cạnh đó, mặc dù thời gian qua ngành Du lịch trong nước đã từng bước mở cửa trở lại nhưng chưa tăng trưởng như kỳ vọng về mức trước đại dịch. Ngoài ra, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách Zero Covid, hứa hẹn sự hồi phục khách du dịch ở quốc gia này, nhưng chưa đủ lực giúp thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng có thể chuyển mình tích cực.

Đặc biệt, theo các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023: Vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng sau những sự cố về việc chi trả các khoản cam kết lợi nhuận, tiến độ bàn giao, tín dụng bị siết chặt, lãi suất tăng cao,... Do đó, ít nhất trong năm 2023, nhiều khả năng thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục gặp khó khăn với mức thanh khoản trung bình - thấp và khó có những đột biến trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, các chuyên gia bất động sản vẫn tin tưởng, thị trường bất động sản nói chung, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng nói riêng vẫn có nhiều xung lực mới để phục hồi và tiếp đà tăng trưởng. Đó là kinh tế đang từng bước phục hồi, xuất khẩu đạt dương, việc quản lý ngân sách ổn định, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản vẫn tăng, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động du lịch trở lại mạnh mẽ... “Năm 2023, xung lực vẫn tập trung mạnh vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng biển. Trong đó, khu vực phía Nam sẽ “chiếm sóng” do việc đầu tư hạ tầng giao thông như: Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh…” - ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.

Ngoài ra, theo bà Trang Lê, Giám đốc Tư vấn và Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản quốc tế Jones Lang LaSalle), Việt Nam có điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng phong phú, có bờ biển dài, nhiều rừng núi, cảnh quan hùng vĩ và hạ tầng du lịch tốt, thu hút lượng lớn khách quốc tế. Điều kiện đi lại tại các nước đã được nới lỏng kéo theo ngành Du lịch sẽ tăng trưởng. Đây là điều kiện thuận lợi để bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng phát triển và quay trở lại một cách mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản du lịch sắp qua kỳ “ngủ đông”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.