Hoạt động xúc tiến thương mại ngay tại thị trường trong nước đang cho thấy vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối giao thương. Tuy nhiên, hoạt động này cần sớm được khắc phục những hạn chế để phát huy hết tiềm năng sẵn có, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ.
Sau 2 năm tổ chức thành công, chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2025" tiếp tục được Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 9 tới.
Trước đó, Viet Nam International Sourcing 2023 và 2024 đã thu hút nhiều tập đoàn quốc tế như: Aeon, Walmart, Decathlon, Coppel, Central Group, Lotte, IKEA…; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự kiện được giới chuyên môn và doanh nghiệp đánh giá cao bởi sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ trong khâu tổ chức. Đồng thời, thu hút khoảng 10.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 300 kênh phân phối, nhà nhập khẩu, tập đoàn công nghiệp uy tín từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là một trong nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ được tổ chức thời gian qua.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước ngày càng trở nên hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Những năm qua, Cục đã phối hợp với các địa phương ở 6 vùng kinh tế tổ chức chuỗi hội nghị xúc tiến và thúc đẩy xuất nhập khẩu tại chỗ. Cùng đó là các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hằng tháng. Qua đó đã tạo nền tảng để giúp các địa phương, doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới khởi nghiệp, kết nối trực tiếp với tổ chức, cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Còn theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài, xúc tiến xuất khẩu tổ chức ngay tại Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho ngành.
“Ngoài việc thu hút nhiều nhãn hàng, nhà nhập khẩu quốc tế đến Việt Nam để các doanh nghiệp có thể trực tiếp chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình sản xuất, đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và các tiềm năng khác. Đối với ngành da giày, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ được tổ chức thường niên đã tạo động lực để ngành đạt tăng trưởng tốt”, bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ.
Đối với ngành dệt may, xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng truyền thống và khách hàng mới, cũng như kết nối thuận lợi vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Từ đó, bắt kịp vào các khâu có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. Trong đó, các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ (chiếm gần 90% số doanh nghiệp thuộc ngành), được hưởng lợi không nhỏ do tiếp cận các công nghệ mới, giảm chi phí quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại còn mang tính hình thức, hàng hóa giới thiệu nghèo nàn, chất lượng chưa cao. Đặc biệt, cơ sở vật chất còn hạn chế khi cả nước chưa có các trung tâm triển lãm lớn để tổ chức các sự kiện thương mại quy mô quốc tế giới thiệu hàng hóa tới các nhà mua hàng toàn cầu. Ngoài ra, sự liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại còn chưa chặt chẽ… Đây là những hạn chế cần sớm được khắc phục.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội đề xuất, Chính phủ cần quy hoạch những khu công nghiệp tập trung quy mô lớn cho các lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt. Nên có những khu công nghiệp lớn riêng của ngành, trong đó có xử lý nước thải, cung cấp hạ tầng về chuyển đổi xanh, nhân lực. Ngoài ra, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ về mặt tài chính, thuế, lãi suất phù hợp, có chính sách đào tạo nhân lực thuộc khối ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Để triển khai hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong bối cảnh mới, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến chuyên sâu theo từng ngành hàng như nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, dệt may, công nghiệp hỗ trợ...; xúc tiến thương mại, đầu tư kết hợp quảng bá, trải nghiệm du lịch; tăng cường liên kết cung - cầu nội địa, hình thành chuỗi cung ứng trong nước…
Năm 2025, trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, một loạt hoạt động xúc tiến xuất khẩu trên “sân nhà” được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ tổ chức như: Hội nghị quốc tế xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam 2025; hội nghị quốc tế ngành cao su tại Việt Nam năm 2025…
Ông Vũ Bá Phú cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong xúc tiến xuất khẩu, từ tổ chức hội chợ ảo đến trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích dữ liệu ngành hàng; tăng cường xúc tiến tại thị trường mới, tiềm năng như: Trung Đông, Nam Á, châu Phi. Cùng đó là phát triển năng lực xúc tiến thương mại của các địa phương, nâng cấp năng lực cho trung tâm xúc tiến thương mại vùng; hỗ trợ chuyên sâu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo gia nhập thị trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.