Thị trường

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến:Năm 2025, xúc tiến thương mại tiếp tục có nhiều đột phá

Lam Giang 02/02/2025 - 07:03

Với nhiều giải pháp đổi mới, công tác xúc tiến thương mại năm 2024 đã góp phần quan trọng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, là cơ sở để hoạt động này năm 2025 tiếp tục có nhiều đột phá.

Phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến về nội dung này.

pho-cuc-truong.jpg
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến.

Kết nối doanh nghiệp Việt với thị trường quốc tế

- Ông có thể cho biết năm 2024 hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam đã đổi mới như thế nào?

- Năm 2024, hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, thông qua “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại”, “Chương trình Thương hiệu quốc gia”, “Chương trình Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại”. Hàng trăm sự kiện xúc tiến thương mại cấp quốc tế, quốc gia và cấp vùng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã được tổ chức ở trong nước và trên khắp các thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thị trường tiềm năng khác.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, tiêu biểu như với Bộ NN&PTNT lần đầu tổ chức Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tạo ra hiệu ứng tích cực trên thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất nước ta… Cục Xúc tiến thương mại cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và trong nước như: Triển lãm Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024, Triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam 2024, Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu 2024… Cùng với đó, Cục đã tổ chức chuỗi hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài kết nối doanh nghiệp, ngành hàng với các thị trường.

Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trong năm 2024 đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại địa phương, giá trị hợp đồng mang lại là gần 100 triệu USD và hàng trăm tỷ đồng doanh số tại các sự kiện trong nước. Qua đó, khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, ngành hàng, khơi thông dòng chảy hàng hóa Việt Nam; giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường kết nối thị trường quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu...

- Thưa ông, 2024 cũng là năm Chương trình Thương hiệu quốc gia đạt nhiều kết quả ấn tượng. Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể?

- Năm 2024, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023. Đóng góp lớn vào sự tăng trưởng này gồm nhiều doanh nghiệp như Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietcombank, VinFast...

Với xu thế chung của thế giới là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, tất cả nội dung hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đều gắn chặt các định hướng, chiến lược của Chính phủ và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành và xã hội...

- Chuyển đổi số được cho là mấu chốt trong đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại. Năm qua, hoạt động này được triển khai ra sao?

- Năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các chuyên gia, đơn vị chuyên ngành xây dựng mô hình tổng thể Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với nhiều ứng dụng công nghệ thông tin thành phần đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định; bảo đảm khả năng vận hành thông suốt, nâng cấp, kết nối. Một số cấu phần nền tảng trong Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số đã và đang được hoàn thiện, phát triển gồm: Hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại (Vietrade CRM); Hệ thống đào tạo trực tuyến (Vietrade Edu); Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (iTrace 247); Bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam (Vietrade Map); Phần mềm hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo và các sự kiện xúc tiến thương mại (Event Automation)...

Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com (trực thuộc Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc) đã triển khai Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion trên Alibaba.com. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia gian hàng được hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đào tạo; quảng bá, giới thiệu về gian hàng với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trên các trang báo, nền tảng truyền thông uy tín; qua đó tăng cường sự nhận diện thương hiệu, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác.

xuat-nhap-khau.jpg
Lễ hội trái cây với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon” tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tạo ra hiệu ứng tích cực trên thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam.

Tạo thế chủ động cho doanh nghiệp

- Theo ông, những khó khăn nào tác động tới hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua?

- Thứ nhất là mô hình tổ chức cơ quan xúc tiến thương mại ở các địa phương chưa thống nhất, gây khó khăn cho sự phối hợp giữa trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, đầu tư ngân sách cho xúc tiến thương mại còn hạn chế, chưa tương xứng với mức tăng trưởng xuất khẩu, gây khó khăn khi thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại với quy mô lớn, chưa tương xứng với các cơ hội được mở ra từ các hiệp định thương mại.

Ngoài ra, nhiều hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại chưa đổi mới cách thức triển khai, chưa có đề án hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính dài hạn. Doanh nghiệp còn yếu trong nghiên cứu thị trường, kỹ năng xúc tiến thương mại tại nước ngoài; khâu phát triển sản phẩm, đa dạng sản phẩm cũng chưa theo kịp với thị trường... Ngoài ra, nhận thức về vai trò của thương hiệu quốc gia chưa đồng đều, công tác truyền thông và quảng bá chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao...

- Thời gian tới, doanh nghiệp cần làm gì để bắt nhịp với những thay đổi, cũng như đẩy mạnh hoạt động thương mại trong và ngoài nước?

- Vấn đề hàng đầu là các doanh nghiệp cần chủ động bám sát tình hình và liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng để cập nhật thông tin diễn biến thị trường. Doanh nghiệp cũng cần tăng cường kết nối để gia tăng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Đặc biệt, doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến công tác đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, làm tốt khâu quản trị và phát triển thương hiệu. Cùng với đó là thường xuyên nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đổi mới, sáng tạo nhằm xuất khẩu các sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của thị trường...

- Trong năm 2025, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ hướng tới những giải pháp nào để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, thưa ông?

- Năm 2025, công tác xúc tiến thương mại sẽ được triển khai theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn; khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Cục cũng xây dựng, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng các cơ hội thị trường quốc tế và trong nước.

Đồng thời, triển khai xúc tiến thương mại chú trọng vào các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cục cũng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các chương trình tư vấn cung cấp thông tin, cập nhật về thị trường... qua đó, tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế; đào tạo về kỹ năng xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại...

Bên cạnh đó, công tác quảng bá thương hiệu quốc gia, sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, các thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý sẽ được tăng cường trên các nền tảng để tạo hiệu ứng lan tỏa; tăng cường hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm Việt Nam như gạo, cà phê và thủy sản tại thị trường nước ngoài.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến: Năm 2025, xúc tiến thương mại tiếp tục có nhiều đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.