Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đà để Hà Nội phát triển bền vững

Thanh Hải| 10/08/2022 06:27

(HNM) - Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7,5-8%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 8,5-9%. Triển khai chương trình này, thành phố đã, đang tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp, thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững của kinh tế Thủ đô.

Tổng doanh thu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4.869 triệu USD. Trong ảnh: Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh).

Quyết liệt phát triển hạ tầng công nghiệp

6 tháng đầu năm 2022, Sở Công Thương đã khởi công 6 cụm công nghiệp và đang đôn đốc, phối hợp đẩy nhanh tiến độ khởi công 38 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Song song với việc mở rộng mặt bằng sản xuất, Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng các sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Chương trình số 02-CTr/TU đã xác định rõ, giai đoạn 2021-2025, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp (hiện khoảng 25%); nâng giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 40-45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển 8-10 nhóm ngành sản phẩm chủ lực, phấn đấu có khoảng 10% số doanh nghiệp lọt vào Tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam... Triển khai nhiệm vụ này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các chương trình, đề án về phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố đến năm 2025. Đến nay, Hà Nội có 117 sản phẩm của 81 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó có 22 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, 12 doanh nghiệp nằm trong Tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 10 doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội Lê Vĩnh Sơn cho biết, các sản phẩm của Sơn Hà được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. “Đây là một sáng kiến hay của Hà Nội giúp các đơn vị khẳng định thương hiệu sản phẩm của mình, từ đó vươn xa ra thị trường thế giới. Sơn Hà đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng, hướng đến doanh nghiệp đa ngành hàng đầu Việt Nam và vươn tầm khu vực”, ông Lê Vĩnh Sơn nói.

Với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của thành phố, hiện Hà Nội đã hình thành 8 nhóm ngành công nghiệp chủ lực với hàng nghìn loại sản phẩm... Hầu hết doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, mỗi năm, doanh thu của các doanh nghiệp này lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng...

Những con số “biết nói”

Tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm 2022 của Hà Nội đạt 7,79%, cao hơn hẳn mức tăng cùng kỳ các năm gần đây; trong đó quý II-2022, GRDP tăng 9,49% và khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,31%, đóng góp 1,27% vào mức tăng GRDP.

Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, trong nửa đầu năm 2022, Ban đã thu hút đầu tư được 4 dự án mới, vốn đăng ký 1 triệu USD và 450 tỷ đồng; 12 dự án đầu tư mở rộng với vốn đăng ký 60 triệu USD và 30 tỷ đồng. Tổng doanh thu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4.869 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước 238,5 triệu USD…

Để phát huy những kết quả đạt được, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch của Sở, của UBND thành phố, các nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thời gian và chi phí thủ tục hành chính, cũng như tiếp cận cơ hội đầu tư, kinh doanh. “Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng ngành công nghiệp, thương mại trên địa bàn, như khởi công các cụm công nghiệp, hạ tầng logistics, chợ, trung tâm thương mại…”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao; hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động đổi mới trang thiết bị hiện đại, phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ mới có lợi thế, từng bước hình thành các sản phẩm có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Rõ ràng, từ những bước đi bài bản, chắc chắn, lĩnh vực công nghiệp Hà Nội thời gian tới sẽ phát triển bứt phá, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà để Hà Nội phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.