Sáng 14-3, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Nghệ An cần chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, có tầm nhìn dài hạn hơn; cần tập trung phát triển miền Tây Nghệ An theo hướng xanh hóa.
Nghệ An là tỉnh đặc biệt, có nhiều tiềm năng, lợi thế. Vị trí địa lý chiến lược, thuận lợi; diện tích tự nhiên 16.490 km2 (lớn nhất cả nước); đứng thứ tư về quy mô dân số với trên 3,3 triệu người. Có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, bao gồm sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt, mạng lưới đường bộ và đường thủy dễ dàng kết nối trong nước và quốc tế (cao tốc Bắc - Nam; các cảng: Cửa Lò, Vissai, Đông Hồi; sân bay quốc tế Vinh; đường sắt Bắc - Nam; 5 cửa khẩu với Lào...).
Nghệ An là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, sĩ phu yêu nước nổi tiếng, truyền thống cách mạng, văn hóa đậm đà bản sắc; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Danh nhân Phan Huy Chú đã viết: “Nghệ An núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả Nam châu. Người thì thuận hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quý của lạ… được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền… thực là nơi hiểm yếu như thành đồng, ao nóng của nước và là then khóa của các triều đại”.
Nghệ An là tỉnh có tài nguyên rừng, biển và các loại khoáng sản, đặc biệt là các loại khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ốp lát, đá...
Thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An đạt hơn 44 triệu đồng/năm; đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực quan tâm, cam kết đầu tư vào tỉnh. Trong 2 tháng đầu năm 2021, một số dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như nhà máy sản xuất cấu kiện điện tử của Công ty Everwin Precision Việt Nam (200 triệu USD), khởi công nhà máy Goertek Vina (100 triệu USD),...
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An khẳng định kiên quyết xóa bỏ tình trạng “tỉnh mở, sở thắt”, đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư với phương châm “tỉnh mở, sở hỗ trợ”, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị cho phép tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, thực hiện cơ chế kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cảng nước sâu Cửa Lò tại khu vực Nghi Thiết, bao gồm cả 2 hạng mục thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước (đê chắn sóng và nạo vét luồng khu bến cảng phía Nam cảng Cửa Lò).
Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án thành lập khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An trước khi quy hoạch tỉnh và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
“UBND tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tích hợp những nội dung của đề án vào quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch liên quan khác kịp thời, đảm bảo chất lượng”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nói.
Đánh giá cao kết quả Nghệ An đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại một số nét như tăng trưởng kinh tế bình quân nhiệm kỳ đạt 7,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm năm 2020 của tỉnh đạt 4,45%.
Đặc biệt, Nghệ An là một trong những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả nước (280 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt khoảng 68,12% số xã và 6 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cao hơn mức bình quân cả nước).
Thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến với nhiều dự án lớn. “Tôi có nghe đồng chí Chủ tịch nói sắp tới sẽ có một dự án mấy trăm triệu USD”, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy không khí đầu tư vào Nghệ An sôi động, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Nghệ An. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí 18, xếp thứ ba trong khu vực vùng duyên hải miền Trung, tình trạng “tỉnh mở, sở thắt” đã được khắc phục cơ bản.
Tuy nhiên, tỉnh chưa có dự án lớn, mang tính chiến lược để chuyển biến tình hình. “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe để vận dụng cơ chế đổi mới sáng tạo cho Nghệ An”, Thủ tướng nói. Tỉnh cần vận dụng sáng tạo các nghị quyết, khơi dậy khát vọng phát triển.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, Nghệ An cần có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách cụ thể, như có người chịu trách nhiệm, hành động quyết liệt hơn, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn.
Thủ tướng lấy ví dụ, bây giờ có thể đưa cầu Cửa Hội là điểm nhấn cho mọi người dân đến nơi này như thế nào, đó có phải là một cây cầu ánh sáng, cầu du lịch mà mọi người đến Nghệ An phải đến điểm này hay Vinh có thể trở thành thành phố ánh sáng rực rỡ, ấn tượng hay không?
“Tôi rất vui mừng khi thấy ở Vinh, các đồng chí đã quy hoạch một số đường đi bộ, chúng ta phải làm các sản phẩm mà người nơi khác về đây muốn mua”, Thủ tướng nói và gợi mở "quy hoạch phát triển Nghệ An cần có những ý tưởng mới, sâu sắc để đưa Nghệ An đi lên. Tại sao không đưa Cửa Lò vào thành phố Vinh để tăng quy mô thành phố Vinh", Thủ tướng gợi mở và đề nghị Nghệ An nghiên cứu vấn đề này. Nghệ An được xác định là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ, trong khi Thanh Hóa, Hà Tĩnh đang phát triển mạnh mẽ, vậy muốn là trung tâm thì Nghệ An phải tập trung làm gì?
Do đó, tỉnh xây dựng quy hoạch một cách căn cơ, bài bản, có mũi đột phá chiến lược, khơi thông các điểm nghẽn phát triển, Thủ tướng lưu ý. Trong phát triển, phải chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, có tầm nhìn dài hạn hơn. Cần tập trung phát triển miền Tây Nghệ An theo hướng xanh hóa. Phát triển mở rộng đô thị có quy hoạch, trong đó nâng cấp, mở rộng tuyến đường Vinh - Kim Liên.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cho ý kiến đối với các kiến nghị của tỉnh với tinh thần ủng hộ, tạo cú hích cho Nghệ An phát triển.
Dẫn lại lời một nhà sử học về tên tỉnh “Nghệ An” nghĩa là “Thái bình vô sự” (có nghĩa là mong muốn về một mảnh đất luôn mang đến sự thái bình thịnh trị, yên bình không nhiễu nhương), Thủ tướng tin tưởng tỉnh Nghệ An sẽ có bước tiến mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.