(HNM) - Chính quyền địa phương là chủ đề được đông đảo cán bộ, người dân quan tâm, đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Với mong muốn ngày càng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, nhiều ý kiến cho rằng cần tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới chính quyền địa phương trong tương lai.
Yêu cầu đổi mới chính quyền địa phương được thể hiện thông qua nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ và người dân. Trên cương vị của một trong những người tổng hợp và tiếp thu ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh ở một số tỉnh, thành phố đã bộc lộ nhiều hạn chế của mô hình HĐND như: Sự cồng kềnh về bộ máy, nguồn nhân lực; không hiệu quả về hoạt động; quyền hạn chồng chéo, trách nhiệm chưa rõ ràng. Thực tế này đòi hỏi phải đổi mới chính quyền đô thị và vấn đề này cần được thể hiện trong Hiến pháp mới. Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc chưa có sự phân định rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn đang làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước tại địa phương.
Vấn đề phân cấp giữa trung ương và địa phương cũng được nhiều ý kiến đề cập theo hướng đề nghị đổi mới mạnh mẽ để tăng tính hiệu lực, hiệu quả. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cho rằng, các biện pháp tăng cường phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương hiện nay còn thiếu đồng bộ. Chính quyền địa phương đôi khi chưa đủ thẩm quyền để chủ động, trong khi một số nhiệm vụ cần quản lý tập trung, thống nhất lại được chuyển giao cho chính quyền địa phương. PGS-TS Trương Đắc Linh (Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) chỉ ra, chủ thể quan trọng nhất của chính quyền địa phương là nhân dân vẫn chưa được Dự thảo nhắc đến. Ông đề nghị, Dự thảo cần đánh giá lại vai trò chủ thể quan trọng nhất và tiến tới tăng cường tính chủ quản của địa phương dù ở phân cấp nào.
Trong khi đó, theo PGS-TS Nguyễn Cửu Việt, nguyên giảng viên Khoa Luật Hành chính nhà nước (Đại học Luật TP Hồ Chí Minh), quy định chính quyền địa phương trong Dự thảo vẫn còn thể hiện tư duy áp đặt, chỉ phân cấp cho cấp tỉnh, còn đến cấp huyện, xã thì chưa mấy quan tâm. Thậm chí, vẫn còn tồn tại khái niệm "vùng ảo" vì dù hiện tại có ban chỉ đạo vùng nhưng khi xảy ra ô nhiễm môi trường ở một con kênh giáp ranh hai tỉnh, thành vẫn khó thống nhất được cách giải quyết. Một số ý kiến khác cho rằng, việc phân cấp phải bảo đảm nguyên tắc: Quyền lực nhà nước là thống nhất từ trung ương tới địa phương song phải đề cao tính tự chủ của địa phương, kết hợp với thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Có như vậy mới phát huy được lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của từng địa phương, điều mà theo phân cấp hiện hành chưa làm tốt.
TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH), cho rằng, so với Hiến pháp năm 1992, Chương IX Dự thảo đã có sửa đổi cả về kỹ thuật và nội dung. Tuy nhiên, việc lấy tên Chương IX là chính quyền địa phương trong khi phần thuyết minh không nói rõ và cả 5 điều đều chỉ nhắc đến HĐND và UBND đã hàm ý là chính quyền địa phương chỉ có hai cơ quan này. Thực tế, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân địa phương, các sở, phòng thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là những cơ quan điều tra, truy tố, xét xử thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng của Nhà nước ở địa phương liệu có thuộc phạm trù "chính quyền địa phương" hay không? Ông cho rằng, nên lấy lại tên chương này theo Hiến pháp năm 1946 là "Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính". TS Vũ Đức Khiển cũng đề nghị sửa đổi những điều của Chương IX theo hướng tham khảo Hiến pháp năm 1946 và căn cứ vào thực tế hoạt động của HĐND và UBND trong những năm qua, nhất là trong thời gian thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện và phường. Theo ông, Hiến pháp chỉ quy định những nguyên tắc chung, còn những nội dung chi tiết, cụ thể sẽ trình QH thảo luận, quyết định khi thông qua dự thảo Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính. Cùng ý tưởng này, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) Đặng Công Ngữ cho rằng, cần để mở các quy định trong chương về chính quyền địa phương nhằm tránh gây cản trở cho việc xây dựng văn bản luật về sau. Xây dựng một luận cứ về chính quyền đô thị là yêu cầu hết sức khách quan. Với sự phân cấp chính quyền như tại điều 115 và 116 thì Dự thảo chưa đề cập, thậm chí đã "làm khó" chính quyền đô thị.
Nói về mô hình chính quyền địa phương hiện nay, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, nhận định: "Mô hình chính quyền địa phương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội, tự nhiên cũng như những quan điểm nhận thức của chính quyền nhà nước cấp trên. Trên thế giới có nhiều mô hình, cách thức tổ chức chính quyền địa phương khác nhau. Mỗi cách thức đều có những ưu điểm và những hạn chế nhất định và không tồn tại một mô hình tổ chức chính quyền địa phương tuyệt đối lý tưởng". Ông đề nghị nghiên cứu, tham khảo các mô hình tổ chức chính quyền địa phương trên thế giới để lựa chọn mô hình tổ chức phù hợp nhất với điều kiện đất nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.