Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cơ sở để Hà Nội phát triển toàn diện

Hà Phong| 17/11/2012 06:18

(HNM) - Theo chương trình kỳ họp thứ tư, ngày 21-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô. Trên cơ sở đóng góp, thảo luận tại tổ và tại hội trường của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh sửa, làm rõ hơn nữa các cơ chế đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô.


Với việc ban hành Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ có thêm cơ sở pháp lý để phát triển toàn diện.Ảnh: Duy Tường

Theo Chính phủ, từ đánh giá thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và ý kiến góp ý trực tiếp của đại biểu Quốc hội cho thấy, một vài nội dung của dự thảo Luật Thủ đô công bố ngày 5-11 vừa qua còn chung chung hoặc mang tính nghị quyết. Do vậy, Ban soạn thảo Luật Thủ đô tiếp tục chỉnh lý những quy định về kinh tế - xã hội, quản lý dân cư. So với dự thảo cũ, Luật Thủ đô mới nhất, trình Quốc hội ngày 21-11 có những bước tiến căn bản, xác định rõ ràng, xác đáng hơn cơ chế đặc thù cho Thủ đô; chỉnh lý 5 điều (12, 13, 14, 15, 21) và lược bỏ 2 điều (24, 25). Những vấn đề được lựa chọn để lại tại chương II như quản lý quy hoạch, không gian kiến trúc; phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, bảo vệ môi trường đều bảo đảm cho Thủ đô phát triển với tầm nhìn lâu dài.

Đáng lưu ý, về quản lý dân cư, do đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 nên Chính phủ dự kiến loại phương án 2, viết lại phương án 1 khúc triết, dễ hiểu hơn, bằng cách viện dẫn các quy định liên quan tại Điều 20 của Luật Cư trú thẳng vào luật để tránh mọi sự suy diễn không cần thiết. Theo đó, công dân có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và đã tạm trú liên tục tại đó từ 3 năm trở lên, nơi đề nghị đăng ký thường trú là nơi tạm trú mới được nhập khẩu vào nội thành.

Trong lĩnh vực xây dựng, ngoài tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung đã được Chính phủ phê duyệt, còn phải bảo đảm thêm yếu tố môi trường. Đồng thời, luật cũng giao Hà Nội nhiệm vụ chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ khác mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết cùng phát triển, nhất là các địa phương thuộc Vùng Thủ đô gồm Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình…; quy định rõ trách nhiệm Chủ tịch UBND TP Hà Nội nếu để xảy ra các vi phạm, yếu kém trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý thành phố.

Về xử phạt vi phạm hành chính ở khu vực nội thành trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng, mặc dù còn một vài ý kiến chưa đồng thuận, nhưng Chính phủ kiên định với quan điểm đây là việc làm cần thiết. Lý giải vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết: Mặc dù Luật Xử lý vi phạm hành chính đã nâng mức phạt tiền tối đa lên 50 triệu đồng trong lĩnh vực văn hóa nhưng chưa phù hợp với nội thành Hà Nội do giá trị và tầm quan trọng của những di tích, công trình rất lớn, mang tầm vóc quốc gia, quốc tế. Tương tự, trong lĩnh vực xây dựng, chỉ từ đầu năm 2011 đến nay, tại các quận nội thành đã xảy ra hơn 600 trường hợp xây dựng không phép, sai phép. Áp mức xử lý hiện hành: 50-100 triệu đồng đối với mỗi công trình vi phạm là không khả thi vì giá trị giao dịch mỗi mét vuông xây dựng đã là gần 100 triệu đồng, thì việc cố ý cơi nới trái phép khó ngăn chặn.

Do vậy, ngoài quyết tâm chính trị của Đảng bộ và chính quyền TP Hà Nội, cần có chế tài đủ mạnh thì mới hạn chế được thực trạng trên. Theo thuyết minh của Chính phủ, nếu được Quốc hội chấp thuận, dự kiến HĐND TP Hà Nội sẽ quy định một số hành vi đang gây bức xúc trong dư luận bị phạt tiền cao hơn như làm thay đổi yếu tố gốc của di sản văn hóa vì bất cứ mục đích gì, xây dựng trái phép, vi phạm quản lý chất lượng làm sụp đổ công trình lân cận...

Các cơ chế đặc thù theo dự thảo luật mới nhất qua thăm dò được các chuyên gia pháp luật cho là khá lý tưởng, tạo cơ sở để Thủ đô phát triển toàn diện về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, là thành phố văn minh. Khách đến giảm đi những lo ngại về ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Nhưng nguồn lực đâu để thực hiện, cơ sở nào, ai có thẩm quyền quyết định phân bổ ngân sách, cơ chế chịu trách nhiệm ra sao? Để trả lời câu hỏi này một cách thuyết phục nhất, Chính phủ đã lượng hóa và quy định ngay tại Điều 21 của luật theo phương án 2 (bỏ phương án 1). Cụ thể, dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ khác trong từng giai đoạn ổn định từ 3 đến 5 năm. Hà Nội được sử dụng các khoản thu ngân sách TƯ vượt dự toán, trừ các khoản thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, khoản chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước… Đối với các công trình, dự án lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi có quy mô đầu tư lớn, do Thủ đô quản lý, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Chính phủ sẽ trực tiếp xem xét, trình Quốc hội quyết định mức hỗ trợ.

Luật sư Nguyễn Thành Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội:

Hà Nội là Thủ đô của 90 triệu người dân Việt Nam. Vì thế, Chính phủ quyết tâm xây dựng Luật Thủ đô thật sự hoàn chỉnh là điều dễ hiểu và việc Quốc hội thông qua đang đến rất gần. Nhưng nếu nói Hà Nội sẽ thay đổi toàn cảnh ngay lập tức khi luật có hiệu lực thi hành thì chắc chắn không có chuyện đó. Cần hiểu đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền Thủ đô sớm thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ sở để Hà Nội phát triển toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.