(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 54/2017/QH14) với những ưu điểm, bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc các đô thị đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh cần được điều chỉnh bằng luật để tạo chính sách linh hoạt, phù hợp và khả thi hơn so với cơ chế đặc thù.
Còn nhiều bất cập
Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội với 5 thẩm quyền thí điểm đột phá, gồm: Thẩm quyền quản lý đầu tư; thẩm quyền quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết số 54/2017/QH14 áp dụng trong 5 năm, từng được kỳ vọng sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh.
Đơn cử, Nghị quyết số 54/2017/QH14 cho phép HĐND thành phố Hồ Chí Minh được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố. Đến nay, thành phố đã chuyển mục đích sử dụng gần 1.850ha đất trồng lúa cho 32 dự án; quyết định 6 dự án đầu tư nhóm A, tạo nguồn lực phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thu được 391 tỷ đồng từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; thu hơn 131 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức của thành phố có thu nhập tăng thêm…
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, thành phố Hồ Chí Minh chưa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị cấp trung ương đóng trên địa bàn, do luật hiện hành không buộc các đơn vị này phải phối hợp thực hiện. Hoặc Nghị quyết số 54/2017/QH14 cho phép thành phố Hồ Chí Minh trả thu nhập vượt trội cho chuyên gia để “thu hút người tài”, thì luật hiện hành chỉ giới hạn trả theo hệ số lương.
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Đức cho rằng, bất cập còn nằm ở chỗ thành phố có dân số đông nhất cả nước, khối lượng công việc ở cơ sở rất lớn, nhưng số lượng công chức, viên chức vẫn giống như một tỉnh miền núi, dẫn đến thành phố luôn trong tình trạng thiếu nhân lực.
Ngoài ra, mô hình “thành phố trong thành phố” được áp dụng với trường hợp thành phố Thủ Đức (hơn 1 triệu dân, rộng hơn 211km2), nhưng cơ chế vận hành chỉ như một đơn vị cấp huyện nên thời gian qua chưa phát huy được tiềm năng. Hơn nữa, thành phố Hồ Chí Minh nộp ngân sách lớn nhất cả nước, nhưng tỷ lệ giữ lại còn thấp hơn nhiều tỉnh, thành phố khác nên không đủ nguồn lực để tái đầu tư.
Cần có luật cho đô thị đặc biệt
Theo nhiều chuyên gia, vướng mắc pháp lý nằm ở chỗ Nghị quyết số 54/2017/QH14 quy định các thẩm quyền dưới luật, nên khi có quy định khác luật hiện hành, thành phố gửi các bộ, ngành hướng dẫn, thường nhận được câu trả lời là “thực hiện theo luật định”. Như vậy, ý nghĩa và căn cứ pháp lý của cơ chế đặc thù chưa khả thi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh, nhận định những điểm nghẽn trong quá trình phát triển của siêu đô thị với nhiều "cái nhất" cả nước, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... đều bị ràng buộc bởi nhiều luật và văn bản pháp quy. Vì vậy, một Nghị quyết số 54/2017/QH14 không thể tạo hành lang pháp lý tháo gỡ hết các vướng mắc. Tuy nhiên, thành phố Hồ Chí Minh thấy cần có “chính sách đặc thù” thì các tỉnh, thành phố khác cũng sẽ cần đặc thù. Như vậy sẽ rất khó cho Quốc hội và Chính phủ trong quản lý, điều hành.
“Các đô thị đặc biệt cần nhất là một đạo luật riêng điều chỉnh mọi hoạt động. Điểm cốt lõi của luật này là phân cấp quản lý đầy đủ, đồng bộ, thực chất, toàn diện, ổn định, lâu dài cho chính quyền có đủ thẩm quyền và trách nhiệm để giải quyết các vấn đề quản lý nhà nước trên địa bàn mình, chứ không chỉ thí điểm 5 năm như Nghị quyết số 54/2017/QH14”, bà Trương Thị Hiền nói.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, điều thành phố cần là cơ chế phù hợp theo hướng chính quyền đô thị. Trong đó, việc phân cấp, phân quyền công vụ là quan trọng nhất. Đơn cử, cần trao cho thành phố Hồ Chí Minh quyền chủ động biên chế, chủ động trả lương cho cán bộ theo ngân sách và tình hình thực tế. Đây cũng là ý kiến của nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo: Nếu có luật, thành phố sẽ có căn cứ triển khai thực tế hơn là cơ chế đặc thù.
Trong khi chờ đợi một cơ chế đặc thù mới hoặc một luật mới để thành phố Hồ Chí Minh áp dụng, giữa tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã thí điểm lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhằm đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong nhiều lĩnh vực. Mục tiêu của Tổ công tác là giúp thành phố Hồ Chí Minh khai thác hết tiềm năng vốn có, tăng tốc phát triển, đáp ứng kỳ vọng của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.