(HNMO) - Chiều 28-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Tại phiên thảo luật, có 3 nhóm vấn đề trong dự thảo luật được các đại biểu quan tâm thảo luận, gồm: Quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước; việc phổ biến phim trên không gian mạng và Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Đấu thầu để lựa chọn phim chất lượng
Qua thảo luận, hầu hết đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, tạo đột phá thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp điện ảnh. Về quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu nhất trí với phương án 2, đó là giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).
Cơ bản nhất trí với phương án 2, đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, điều này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có Luật Đấu thầu. “Việc quy định cả 3 hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim bằng nguồn ngân sách sẽ bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Trong đó, tác phẩm điện ảnh cần được đấu thầu để lựa chọn được những tác phẩm tốt, có giá trị như những nhiệm vụ khác sử dụng ngân sách nhà nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng bày tỏ sự đồng tình với phương án 2, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, chính sách phát triển điện ảnh cần tập trung ưu tiên đầu tư vào những nội dung cần có sự dẫn dắt của Nhà nước. Vì thế, đại biểu kiến nghị việc sửa đổi Luật Điện ảnh cần hướng đến tạo điều kiện thuận lợi để ngành Công nghiệp điện ảnh phát triển theo cơ chế thị trường cũng như khuyến khích xã hội hóa để các tổ chức, cá nhân cùng tham gia.
Cho rằng điện ảnh là một cách thức để quảng bá hình ảnh quốc gia đến với thế giới, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư cho điện ảnh còn hạn hẹp thì việc đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp ràng buộc về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Thúy Chinh (Đoàn Hà Giang) cho rằng, Nhà nước chỉ cần đóng vai trò quản lý ở 3 khâu (sản xuất, phát hành phim) để phù hợp với các chính sách khác. Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ chính sách về tài chính cho việc sản xuất, quảng bá phim; chính sách thúc đẩy phát hành phim Việt Nam tại các rạp, trên truyền hình; chính sách về thuế cho các nhà đầu tư sản xuất phim; chính sách tín dụng về phát triển các sản phẩm điện ảnh.
Hậu kiểm với phim trên không gian mạng
Trong dự thảo luật sửa đổi quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33, Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) bày tỏ sự đồng tình với việc sớm hoàn thiện các tiêu chí làm công cụ quản lý gắn với hậu kiểm, ứng dụng công nghệ trong kiểm định, khuyến khích xã hội cùng tham gia kiểm định phim phổ biến trên không gian mạng thường xuyên cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nhất trí với ý kiến đại biểu Đinh Thị Phương Lan, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc quy định Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hằng năm hoặc đột xuất là chưa phù hợp. Bởi thực tế cho thấy, phim chiếu trên không gian mạng có tốc độ lan truyền rất nhanh, nên việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, cần xây dựng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về việc phân loại phim và nội dung phim phát trên không gian mạng không phù hợp với quy định của pháp luật.
Về vấn đề Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc vì nội dung chi của quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập. Thực tế thời gian qua, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ đã được lập theo các luật chuyên ngành. Trong trường hợp có quy định thành lập quỹ, các đại biểu đề nghị làm rõ mục đích, nguồn thu, cơ chế hoạt động và quản lý quỹ.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, điện ảnh phải vươn lên để thực hiện được hai trụ cột là nghệ thuật và kinh tế.
Về chính sách phát triển ngành Công nghiệp điện ảnh, Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp điện ảnh, phát triển thị trường điện ảnh trong nước gắn với sản phẩm dịch vụ và du lịch; những biện pháp khuyến khích về mặt pháp lý, bảo vệ quyền tác giả cũng như các quyền liên quan; tạo môi trường bình đẳng để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành Công nghiệp điện ảnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm về cấp phép các loại phim trong nước, hợp tác sản xuất phim nước ngoài, xuất bản phim. Cùng với đó là việc tăng cường hậu kiểm các phim phát hành trên không gian mạng để không lọt những bộ phim có nội dung không đúng với quy định của Việt Nam.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên thảo luận đã thu hút 23 đại biểu phát biểu thảo luận và 1 ý kiến tranh luận với những ý kiến sâu sắc, mang tính xây dựng cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề, những vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp thuộc về quy định của luật, văn bản dưới luật hoặc do tổ chức thực hiện để có định hướng sửa đổi cho đúng, trúng và toàn diện.
“Cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo quy định để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba. Trong đó, việc sửa đổi dự án Luật Điện ảnh phải tạo hành lang pháp lý, chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là một ngành văn hóa nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế và hội nhập quốc tế”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội kết luận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.