Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững

Tuấn Lương| 10/02/2011 06:59

(HNM) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký văn bản số 26/CTr-UBND ban hành chương trình hành động nhằm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.


Thủ đô Hà Nội trên đà phát triển. Ảnh: Huy Hùng


Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của TP trong năm 2011 là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cao hơn đi đôi với phát triển bền vững. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng GDP 12%, kim ngạch xuất khẩu tăng 14%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 19-20%, thu ngân sách tăng 5% so với dự toán Chính phủ giao... Nhằm thực hiện nhiệm vụ này, TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, quận, huyện, đơn vị liên quan tập trung xây dựng và thực hiện đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh PCI; thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư... Sở Công thương chủ động theo dõi và dự báo thị trường trong và ngoài nước để có hướng chỉ đạo kịp thời; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường, giá cả, chủ động cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu...

Một nội dung khác cũng được đặc biệt nhấn mạnh, đó là tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đô thị - nông thôn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị và cải thiện chất lượng môi trường. Theo đó, TP yêu cầu Sở Quy hoạch và Kiến trúc khẩn trương triển khai việc nghiên cứu, lập quy hoạch phân khu, quy hoạch các khu đô thị, các trục đường chính; tiếp tục rà soát, khớp nối quy hoạch. Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung nguồn vốn đầu tư đồng bộ cho các công trình, dự án trọng yếu, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, trục hướng tâm, đường cao tốc, vành đai, trục đô thị... bảo đảm hiệu quả.

Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành và khu dân cư; hướng dẫn, giám sát thực hiện nghiêm yêu cầu xử lý chất thải tại các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, bệnh viện, làng nghề... Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xử lý nước thải và dịch vụ môi trường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.