Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trưởng kinh tế Hà Nội năm 2020: Đóng góp quan trọng cho kinh tế cả nước

Thanh Hải| 28/12/2020 12:14

(HNMO) - Dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, nhưng trong năm 2020, kinh tế Hà Nội vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,98%, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước.

Cùng với việc kiểm soát, chống dịch bệnh hiệu quả, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước

Theo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố, tính chung GRDP năm 2020 ước tăng 3,98%, trong đó dịch vụ tăng 3,29%, công nghiệp tăng 4,91%, xây dựng tăng 8,9%, nông nghiệp tăng 4,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,09%.

Có được kết quả này là nhờ Hà Nội đã triển khai các giải pháp quan trọng: Tổ chức kích cầu thị trường nội địa; triển khai các giải pháp bảo đảm thu ngân sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất...

Đặc biệt, Thường trực Thành ủy đã làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách; chỉ đạo sâu sát các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng.

Thực tế, kinh tế Hà Nội phục hồi khá nhanh sau 2 đợt thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Sau khi giảm sâu trong tháng 4-2020, đến tháng 5-2020, các chỉ số kinh tế đã lấy lại đà tăng. Tháng 8-2020, một số chỉ tiêu giảm so với tháng 7 nhưng không giảm nhiều, từ tháng 9-2020 trở đi, đà tăng trưởng đã hồi phục. Đặc biệt, GRDP quý IV-2020 đã tăng trưởng bứt phá so với các quý trước (quý I tăng 4,13%; quý II tăng 1,76%; quý III tăng 3,95% và quý IV tăng 5,77%), góp phần bù lại những quý suy giảm trước đó.

Trong bối cảnh thu từ doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, Hà Nội đã thực hiện giải pháp tăng thu từ những lĩnh vực còn nhiều dư địa, đồng thời chủ động thu hồi nợ đọng thuế, phí, tiền sử dụng đất... Kết quả, cân đối thu – chi ngân sách được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 280.500 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 3,9% so với thực hiện năm 2019. Nếu tính cả số ngân sách trung ương trên địa bàn do Cục Thuế quản lý, thì thu ngân sách ước đạt 340.100 tỷ đồng.

Năm 2020 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức 2 đợt khuyến mại tập trung (tháng 6, 7-2020 và tháng 11-2020). Cùng với đó, hàng loạt hoạt động kích cầu thị trường nội địa như kết nối sản xuất tiêu thụ, các tuần hàng Việt, tuần hàng nông sản các địa phương, sự kiện Hà Nội đêm không ngủ... đã giúp tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tăng mạnh, ước đạt 3.060,7 nghìn tỷ đồng (tăng 7,9% so với năm 2019).

Trong đó, thương mại đạt 2.408,9 nghìn tỷ đồng (tăng 8,9%); dịch vụ đạt 593,4 nghìn tỷ đồng (tăng 7,3%), bù đắp cho phần sụt giảm của dịch vụ, khách sạn, nhà hàng (52,3 nghìn tỷ đồng, giảm 15,2%) và du lịch lữ hành (6,1 nghìn tỷ đồng, giảm 49%).

Đặc biệt, trong năm 2020, nông nghiệp của Hà Nội đã đạt mức tăng 4,2%, cao nhất trong nhiều năm qua, trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III và ước quý IV-2020 tăng cao (tương ứng đạt 7,89% và 5,32%) đã bù đắp cho quý I và quý II-2020. Lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp 0,09% tốc độ tăng GRDP của Hà Nội.

Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, kết hợp với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, công nghiệp và xây dựng quý IV-2020 dự kiến đạt 7,4%, đã bù đắp cho quý II và III-2020; tính chung cả năm ước tăng 6,39% và đóng góp 1,43% tốc độ tăng GRDP.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,58% (chiếm trên 90% ngành công nghiệp), cho thấy, sản xuất công nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu mạnh mẽ... Mặc dù các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngưng trệ, song kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội ước đạt 16,04 tỷ USD (tăng 2,2% so với năm 2019).

Những bài học rút ra

Một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng GRDP là giải ngân vốn đầu tư công đã được Hà Nội đẩy mạnh. Cụ thể, chi đầu tư phát triển 40.743,9 tỷ đồng, đạt 90,7% dự toán giao đầu năm (đạt 93% so với dự toán sau điều chỉnh, cắt giảm). Tăng trưởng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 9,0%.

Cùng với việc duy trì đà tăng trưởng, Hà Nội đã kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức  2,77%.

Khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, tháng 4-2020, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Hà Nội đã thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm hạn chế tác động xấu của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phục hồi sản xuất, kinh doanh, cũng như bảo đảm an sinh xã hội với số tiền khoảng 3.930 tỷ đồng qua giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, điều chỉnh mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân; khoảng 14.365 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ...

Vào tháng 6-2020, Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển” ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới” nhằm thu hút đầu tư, phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, thể hiện ý chí, bản lĩnh của lãnh đạo thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020, thành phố dự kiến thu hút trên 4 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước đạt trên 145 nghìn tỷ đồng, bao gồm dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn; doanh nghiệp thành lập mới ước trên 25 nghìn, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên trên 303 nghìn doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Từ kết quả đạt được, năm 2021, Hà Nội đặt 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó GRDP tăng khoảng 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%...

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Hà Nội đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp chính. Trong đó, thành phố tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành phố kiên trì các giải pháp nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tập trung vào các chỉ số thành phần còn thấp như “Cạnh tranh bình đẳng”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”, “Chi phí không chính thức”...

Đồng thời, đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh với với lãi suất hợp lý; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các nhiệm vụ cơ cấu lại và phát triển các ngành, lĩnh vực; nâng cao mức đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong GRDP, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất; quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công, đặc biệt là rà soát quỹ đất, quỹ nhà chuyên dùng, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội bảo đảm nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, bức xúc, các dự án trọng điểm, quan trọng; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, dành nguồn chi đầu tư phát triển; phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất (95%) trong năm tài chính 2021.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thương mại, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông; kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường...; phấn đấu thu hút trên 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng kinh tế Hà Nội năm 2020: Đóng góp quan trọng cho kinh tế cả nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.