Góc nhìn

Tăng trách nhiệm cộng đồng

Hà Trang 17/10/2023 - 06:12

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phòng, chống ma túy.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai luật, công tác xác định tình trạng nghiện và cai nghiện ma túy theo quy định mới đang bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa được triển khai hiệu quả.

Hiện cả nước có 93 tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, trong đó có 3.656 người tham gia cai nghiện. Đáng nói, vẫn còn 43 địa phương chưa tổ chức được hoạt động cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định mới.

Một số địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để thực hiện công tác này. Trong khi đó, phần lớn người nghiện đều có hoàn cảnh khó khăn nên không có khả năng đóng góp chi phí cai nghiện. Công tác quản lý, tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo công ăn việc làm, vốn cho người hoàn thành chương trình cai nghiện ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức…

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 12-10-2023, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 411/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp Thường trực Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về công tác cai nghiện ma túy. Theo đó, trước ngày 30-10-2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai cai nghiện tại cộng đồng là hiện còn nhiều văn bản pháp lý trong lĩnh vực cai nghiện ma túy chưa được sửa đổi, bổ sung và ban hành kịp thời. Chính vì vậy, nhiệm vụ trước mắt của các bộ, ngành chức năng là cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, rà soát, lập danh sách một số cơ sở cai nghiện có nhu cầu cấp bách cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới, đáp ứng đủ điều kiện để có thể thực hiện được ngay khi có vốn.

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục rà soát, công bố các trạm y tế xã, phường, thị trấn đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy; tăng cường hỗ trợ nhân lực y tế cho các cơ sở cai nghiện ma túy tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế đã thành công với các mô hình quản lý, can thiệp cho người nghiện ma túy tại cộng đồng và việc xây dựng phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn việc tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo hướng tận dụng tối đa cơ sở vật chất sẵn có; xây dựng cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng để thu hút người nghiện đăng ký tham gia. Chủ tịch UBND cấp huyện quan tâm bố trí kinh phí và giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện…

Khi các bộ, ngành, địa phương cùng quyết liệt vào cuộc, chắc chắn thời gian tới, công tác cai nghiện ma túy, trong đó có cai nghiện tại gia đình, cộng đồng sẽ thu được kết quả tốt, góp phần giảm bớt khó khăn cho các gia đình có người nghiện ma túy. Nhờ mô hình này, kỳ vọng sẽ có nhiều người nghiện từ bỏ được ma túy, làm giảm sự kỳ thị và cách nhìn của xã hội đối với người nghiện ma túy; đặc biệt là truyền cảm hứng, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng đối với người nghiện ma túy và giúp họ sau cai nghiện sẽ tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trách nhiệm cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.