(HNM) - Tổng thống Francois Hollande vừa kết thúc chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị người đứng đầu nước Pháp tới 3 quốc gia Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia và Indonesia.
Trong bối cảnh tốc độ xoay chuyển của các cường quốc trên thế giới vào Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng rõ nét, chuyến thăm được coi là lời khẳng định rõ ràng cho thấy, Paris không muốn chậm chân trong cuộc đua mang tính chiến lược vào khu vực này.
Tổng thống Pháp F.Hollande trong chuyến thăm Singapore. |
Mục tiêu của Tổng thống F.Hollande được đưa ra trước chuyến thăm là siết chặt các quan hệ giữa Pháp với khu vực có tiềm năng lớn về kinh tế này. Đây là lý do có tới 40 lãnh đạo các doanh nghiệp hùng hậu tháp tùng ông chủ Điện Elysee. Theo con số thống kê gần đây, riêng tại Đông Nam Á có hơn 1.500 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang ASEAN tương đương với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu không tính các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU), ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Pháp sau Mỹ và Trung Quốc và xếp trên Nhật Bản. Ít nhất 6 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nằm trong danh sách khoảng 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ưu tiên đối với xuất khẩu của Pháp. Hiện Singapore là đối tác thương mại số 1 của Pháp tại Đông Nam Á, với trao đổi thương mại khoảng 8 tỷ euro. Với Malaysia, đây là khách hàng truyền thống của Pháp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Kuala Lumpur đã mua nhiều tàu ngầm và máy bay vận tải của Pháp và quan tâm đến các máy bay chiến đấu Rafale của Tập đoàn Dassault. Còn Indonesia là một khách hàng tiềm năng của Pháp trong hợp tác về các lĩnh vực vận tải biển, xây dựng cảng, năng lượng biển, thông tin liên lạc và du lịch. Bên cạnh các mục tiêu kinh tế, Pháp cũng không giấu giếm tham vọng gia tăng ảnh hưởng địa chính trị ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Paris sẽ không bỏ lỡ cơ hội khẳng định vị thế ở khu vực này.
Trên thực tế, Châu Á từng được coi là "khu vực bị lãng quên" của Pháp suốt một thời gian dài sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Thời kỳ đó, xây dựng Châu Âu, hướng tới các nước láng giềng và khu vực Châu Phi là những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Pháp. Vì thế, trong giai đoạn này, Paris đã ít để tâm tới Châu Á khi xem đây là một khu vực ở xa, nơi ít gắn với lợi ích quốc gia của Pháp. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1990, Châu Á đã được các lãnh đạo Pháp đánh giá là điểm đến chiến lược hàng đầu cần nhắm đến. Đặc biệt, Đông Nam Á được xem là khu vực năng động, có tăng trưởng kinh tế lớn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung toàn cầu. Vì vậy, trong những năm qua, quan điểm của Pháp đã thay đổi rất nhiều, theo hướng ngày càng xích lại gần ASEAN. Sách Trắng về quốc phòng và an ninh quốc gia của Pháp nhiều năm cũng đã dành vị trí ưu tiên cho khu vực Châu Á và kêu gọi gia tăng gắn kết với châu lục này.
Ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống F.Hollande đã thể hiện mong muốn đa dạng hóa sự hiện diện của Pháp tại Châu Á - Thái Bình Dương bất chấp việc phải cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, quốc gia đang đẩy mạnh chiến lược hướng sang khu vực này. Bước xoay trục của Pháp sang Châu Á trong vài năm qua thể hiện rõ trên tất cả các lĩnh vực, từ ngoại giao, an ninh - quốc phòng tới kinh tế, văn hóa. Tần suất các chuyến công du của Tổng thống F.Hollande tới Châu Á tăng mạnh trong 5 năm qua, trong đó 3 lần tới thăm Trung Quốc, 2 lần thăm Ấn Độ và Nhật Bản.
Đặc biệt, trong hai năm cuối nhiệm kỳ, người đứng đầu nước Pháp tập trung vào các đối tác ở Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia. Ngoài ra, các quan chức cao cấp nhất, từ thủ tướng đến các bộ trưởng Pháp cũng dồn dập tới thăm Châu Á. Tất cả những động thái ngoại giao đó đã và đang giúp Pháp mở rộng ảnh hưởng và tạo nền tảng vững chắc trong quan hệ với Châu Á và các quốc gia trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.