(HNM) - Mặc dù đã đạt được những bước tiến nhất định trong lộ trình triển khai chính phủ điện tử (CPĐT) toàn diện, tuy nhiên những chỉ tiêu cần đạt trong thời gian tới vẫn đặt ra không ít khó khăn cần
Theo khảo sát về việc triển khai CPĐT năm 2014 của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp thứ 99/193 quốc gia trên thế giới về chỉ số phát triển CPĐT. Tại Châu Á, Việt Nam xếp hạng 26/47, vượt qua Malaysia và Thái Lan. Kết quả khảo sát dựa trên 3 tiêu chí: Dịch vụ trực tuyến, hạ tầng viễn thông và vốn nhân lực.
Tiện ích của công nghệ thông tin giúp giảm rất nhiều thủ tục hành chính cho người dân (ảnh chụp tại UBND quận Tân Bình). |
Tại hội thảo quốc gia về CPĐT vừa diễn ra, các đại biểu đều đánh giá TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thực hiện CPĐT. Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, về ứng dụng văn phòng điện tử thì hiện 100% quận, huyện và 72% sở, ban, ngành (48/66 đơn vị) đã triển khai 6 phần mềm thuộc nhóm môi trường làm việc điện tử. Trong ứng dụng này, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; hệ thống họp trực tuyến; lịch công tác; hệ thống khiếu nại, tố cáo được triển khai kết nối qua mạng từ văn phòng UBND thành phố và các quận, huyện, sở, ban, ngành. Về ứng dụng tác nghiệp chuyên ngành, 100% quận, huyện đã theo mô hình chung 25 phần mềm (thuộc các nhóm hồ sơ hành chính, đất đai, quản lý tài nguyên nguồn lực) nâng cao được chất lượng dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống một cửa điện tử đã có 31 đơn vị trong 24 quận, huyện tham gia. Năm 2015, hệ thống này đã tiếp nhận hơn 148.000 hồ sơ, xử lý hơn 116.000 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn là 86%.
Theo đánh giá của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, TP Hồ Chí Minh là địa phương thực hiện dịch vụ công tốt nhất hiện nay. Địa phương này đã tiến một bước dài khi hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, thành phố thực hiện phục vụ đăng ký doanh nghiệp tại nhà; công khai toàn bộ quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký đầu tư với nhà đầu tư; đăng ký đầu tư trực tuyến… Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hà, TP Hà Nội vượt trội hơn TP Hồ Chí Minh trong ứng dụng giao thông thông minh. Theo đó, hiện Hà Nội đã kết nối 240 nút giao thông tập trung, được giám sát và xử lý điều khiển từ trung tâm, được trang bị cáp quang và camera đầy đủ tại các khu vực quan trọng để truyền về trung tâm.
Giải tỏa "điểm nghẽn" nhân lực
Theo ông Lê Mạnh Hà, thời gian qua chính quyền các cấp đã phát triển công nghệ thông tin (CNTT) mạnh mẽ, tuy nhiên hệ thống còn rời rạc trong khi CPĐT phải là một hệ thống tổng thể xuyên suốt từ xã đến quận, huyện, thành phố đến trung ương. Hiện Chính phủ đang tích cực cùng các địa phương thực hiện và TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đến giai đoạn cuối kết nối lên Chính phủ qua Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, điểm cuối này đang bị nghẽn tại chính… Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh. "Điều đáng nói ở đây là lý do "tắc" không chỉ là công nghệ, kỹ thuật mà còn do chính những người làm CNTT tại Văn phòng UBND thành phố không tích cực" - ông Hà cho biết và đề nghị trong thời gian sớm nhất, TP Hồ Chí Minh phải giải quyết được điểm nghẽn này.
Ông Nguyễn Quang Trung, Tiến sĩ Quản trị công Đại học Monash (Australia) cho rằng, kết quả triển khai CPĐT phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó vấn đề nhân lực là quan trọng nhất với các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức và thái độ. Theo ông Lê Mạnh Hà, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm xây dựng CPĐT rất mạnh mẽ mà hai điểm chính là xác định vai trò của CNTT trong phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm trực tiếp cho Văn phòng Chính phủ tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện CPĐT; phối hợp với Bộ TT-TT xây dựng nghị quyết về CNTT để đưa CNTT ứng dụng vào cuộc sống nhanh nhất. Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đề nghị cộng đồng CNTT hiến kế để giúp xây dựng CPĐT hiệu quả nhất trong thời gian ngắn nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.