Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tốc để về đích đúng hẹn

Thống Nhất| 13/11/2018 06:38

(HNM) - Hà Nội hiện có 1.369 trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 63,5% tổng số trường học của toàn thành phố. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu có 70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020 như Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đề ra, cần có sự đầu tư tương xứng mới có thể tăng tốc, về đích đúng hẹn.

Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì) - trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia của TP Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Bài đầu: Thách thức ở chặng cuối

Từ tháng 10-2018, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều tiêu chí về việc công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia có sự thay đổi, trong đó có một số tiêu chí được quy định chặt chẽ và cụ thể hơn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục. Đây là thách thức cho Hà Nội trong việc vừa phải bảo đảm chất lượng của các tiêu chí, vừa phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn như mục tiêu đề ra.

Nhiều tiêu chí mới

Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), quy định mới về quy trình và tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều nội dung chặt chẽ và chi tiết hơn, vừa là căn cứ để các trường tự chiểu theo để phấn đấu, cũng là thước đo của các cơ quan chức năng trong tổ chức triển khai và quản lý. Đơn cử, các tiêu chí về quy mô, cơ sở vật chất để được công nhận đạt chuẩn quốc gia được yêu cầu bắt buộc là phải bảo đảm quy mô không quá 30 lớp học (đối với cấp tiểu học), không quá 45 lớp (với cấp trung học), sĩ số học sinh/lớp theo Điều lệ, diện tích phòng học đạt tiêu chuẩn, có sân chơi, sân tập cho học sinh...

"Các tiêu chí về trường học bảo đảm an toàn, an ninh trường học cũng được đề cập rõ hơn. Theo đó, nhà trường phải có phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh. Nội dung phòng, chống bạo lực trong nhà trường cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cũng được nhấn mạnh..." - ông Nguyễn Viết Cẩn nói.

Đáng chú ý, trong các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia hiện nay còn bổ sung quy định về việc chấp hành quy định của luật pháp, nhấn mạnh nội dung đạo đức nhà giáo. Theo đó, để được công nhận đạt chuẩn, nhà trường không được để xảy ra sai phạm về quản lý hành chính, tài chính và tài sản trong 5 năm liên tiếp tính đến thời điểm được đánh giá. Trong 5 năm này, nếu để một giáo viên hoặc nhân viên bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, thì nhà trường không được công nhận đạt chuẩn. Đây là giải pháp nhằm tăng cường kỷ cương, nền nếp nhà trường, chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo đang khiến dư luận khá bức xúc.

Coi trọng kiểm định chất lượng

Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) - trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia của TP Hà Nội.Ảnh: Nhật Nam


Một trong những thay đổi cơ bản trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia, có hiệu lực từ tháng 10-2018 là để được công nhận đạt chuẩn mức độ 1, các trường học phải được công nhận kiểm định ở cấp độ 2. Theo quy trình, để được làm hồ sơ công nhận đạt chuẩn, nhà trường phải hoàn thành quy trình kiểm định (với hai bước gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài) và phải được công nhận đạt kiểm định chất lượng tối thiểu ở mức 2.

Trên thực tế, kiểm định chất lượng giáo dục không phải là việc mới mà đã được Hà Nội triển khai nhiều năm nay. Tuy nhiên, nếu như trước kia, việc kiểm định chất lượng và thẩm định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia là việc riêng rẽ, thì nay là hai phần việc liên quan chặt chẽ. Căn cứ theo điều kiện và kết quả trong hoạt động giáo dục, nhà trường sẽ được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng từ cấp độ 1 đến cấp độ 4.

Ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết: Thời gian qua, TP Hà Nội đã kiểm định đánh giá ngoài đối với khoảng 44% số trường mầm non và 42% với các trường ở cấp tiểu học, phổ thông. Quy định mới về kiểm định được bổ sung nhiều tiêu chí và có những yêu cầu chi tiết hơn. Với 4 cấp độ cụ thể, đây là căn cứ để các trường đối chiếu xem mình đang đạt ở cấp độ nào về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, giáo viên, kết quả giáo dục..., từ đó có giải pháp để đầu tư, hoàn thiện. Hiện tại, các trường học trên địa bàn Hà Nội đều cơ bản đáp ứng các tiêu chí kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mức độ tối thiểu trở lên.

Tuy nhiên, Hà Nội đang đứng trước một thách thức không nhỏ trong việc đẩy nhanh tiến độ để đạt được mục tiêu có 70% số trường công lập đạt chuẩn vào năm 2020 (hiện nay là 63,5%). Điều đó xuất phát từ thực tế, theo quy định mới, để được công nhận đạt chuẩn, các trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) phải có thời gian hoạt động hoàn thành ít nhất một khóa học cho học sinh (tiểu học là 5 năm, trung học cơ sở là 4 năm, trung học phổ thông là 3 năm). Trong khi đó hiện nay có nhiều trường chuẩn đã hoạt động được từ 8 đến 10 năm, nhưng trước tình trạng quy mô học sinh ngày càng lớn, với yêu cầu bảo đảm an toàn và chất lượng giáo dục, các trường buộc phải tách trường để giảm tải áp lực về quy mô. Như vậy, để được công nhận đạt chuẩn, đơn vị này phải hoạt động độc lập ít nhất 5 năm nữa, trong khi các tiêu chí khác đều đã bảo đảm. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở các địa bàn đông dân cư, có nhiều khu đô thị mới như: Long Biên, Thanh Trì, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông..., làm nảy sinh mối lo về nguy cơ có thể chậm tiến độ đạt mục tiêu chung của thành phố.

(Còn nữa)

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, không phải cứ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định là sẽ có hiệu lực mãi mãi. Chu kỳ kiểm định là 5 năm, nếu trong thời hạn này nhà trường không còn đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá, thì việc chứng nhận trường đạt chuẩn kiểm định sẽ bị thu hồi. Quyết định thu hồi chứng nhận trường đạt tiêu chuẩn kiểm định sẽ được công khai trên trang thông tin điện tử của các sở giáo dục và đào tạo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc để về đích đúng hẹn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.