(HNM) - Cách đây không lâu, đội U15 Hà Nội bị loại khỏi Giải Bóng đá U15 toàn quốc năm 2017 do sử dụng hai cầu thủ quá độ tuổi quy định. Từ câu chuyện này, một lần nữa cho thấy, cần phải tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm loại bỏ
U15 Hà Nội bị loại khỏi VCK U15 toàn quốc vì gian lận tuổi. |
"Lố" tuổi cả ở giải đỉnh cao và giải phong trào
Câu chuyện đội bóng đá U15 Hà Nội sử dụng hai cầu thủ quá tuổi sẽ không được biết đến nếu không có lá đơn khiếu nại từ Công ty cổ phần bóng đá Thanh Hóa - nơi đang sở hữu đội U15 Thanh Hóa. Từ lá đơn này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã xác minh vụ việc từ nhiều nguồn. Kết quả cho thấy, cả hai cầu thủ nói trên đều quá 2 tuổi so với quy định. Sau đó, quyết định kỷ luật đã được đưa ra, trong đó, cả hai cầu thủ "lố" tuổi đều không được tham gia các hoạt động bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức trong vòng 1 năm.
Gian lận tuổi không phải là chuyện mới của làng thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng. Trong lịch sử các giải bóng đá trẻ từng có không ít lần xảy ra hành vi gian lận trong việc sử dụng nhân sự. Năm 2000, đội U21 Thanh Hóa từng bị loại khỏi Giải Bóng đá U21 toàn quốc khi sử dụng 3 cầu thủ quá tuổi. Đến năm 2003, vì lý do tương tự, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải ra quyết định cấm đội bóng của Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Hà Tây không được thi đấu tại các giải U11 toàn quốc trong vòng 2 năm. Vào năm 2011, đội U11 Đà Nẵng cũng bị loại khỏi giải toàn quốc vì sử dụng một cầu thủ quá tuổi so với quy định.
Ngoài bóng đá, nhiều môn thể thao khác cũng vướng vào vấn đề này. Được nhắc nhiều nhất vẫn là điền kinh, với câu chuyện "tráo người" ở môn nhảy xa. Năm 2002, một vận động viên 17 tuổi của đội điền kinh TP Hồ Chí Minh được đưa xuống thi đấu ở giải dành cho lứa tuổi 14 dưới cái tên và tuổi của người em trai. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ nhưng ba năm sau, chính vận động viên này và gia đình đã chủ động lên tiếng, dẫn đến câu chuyện “trả lại tên cho em” nổi tiếng.
Những năm gần đây, dư luận không còn ồn ào về nạn gian lận tuổi ở các giải trẻ của thể thao thành tích cao, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chuyện đã vào khuôn khổ, rõ nhất là qua vụ việc 2 cầu thủ trẻ của đội U15 Hà Nội kể trên. Ở các giải phong trào, gian lận tuổi vẫn là vấn đề nhức nhối. Ở Giải Bóng rổ khu vực III - Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016, từng có chuyện đội bóng rổ lứa tuổi học sinh trung học cơ sở của Thanh Hóa bị tước Huy chương vàng vì sử dụng cả cầu thủ trung học phổ thông.
Giảm áp lực thành tích
Mùa hè đến cũng là lúc các giải đấu trẻ trong hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức liên tục. Ông Nguyễn Phan Khuê - Tổng Biên tập Báo Nhi đồng, Trưởng ban Tổ chức Giải Bóng đá Nhi đồng toàn quốc năm 2017 chia sẻ: "Các giải bóng đá nhi đồng có ý nghĩa lớn đối với các vận động viên nhí. Nhưng, trong lịch sử giải đấu từng có những bài học về công tác nhân sự. Vì thế, vào mỗi mùa giải, Ban tổ chức luôn phải đặc biệt chú ý đến khâu này. Năm nay, trưởng đoàn, huấn luyện viên các đội dự giải, đại diện cơ quan công an, tư pháp vẫn được mời vào Tiểu ban nhân sự. Đó là cách để các đội dễ dàng giám sát chéo, đề phòng nạn gian lận tuổi ngay từ khi bóng chưa lăn".
Ở góc nhìn khác, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh cho rằng: "Đã có nhiều giải pháp để hạn chế nạn gian lận tuổi tại các giải đấu trẻ. Khi vận động viên các đội tuyển trẻ quốc gia tập trung, chúng tôi tiến hành đo tuổi xương để xác định tuổi của vận động viên chứ không chỉ căn cứ vào hồ sơ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là trách nhiệm của người lớn, những người liên quan tới hồ sơ dự giải của các em. Nếu họ cố tình “lách” thì rất khó kiểm soát vấn đề. Việc đi xác minh hồ sơ là không đơn giản, nhất là với những cầu thủ ở vùng sâu, vùng xa”.
Bóng đá Việt Nam có nét đặc thù riêng, đó là việc tổ chức các giải đấu chưa rõ tính chuyên nghiệp trong khi nhu cầu về thành tích khá rõ. Đặc biệt, khi thành tích trở thành một thứ "bảo bối" để phục vụ mục đích cá nhân thì việc gian lận tuổi rất dễ xảy ra. Bởi vậy, đề cao tinh thần trách nhiệm của người lớn là điều cần thiết. Như ở nhiều nước, môn bóng đá không có các giải đấu chính thức dành cho trẻ - nhất là với lứa U11 - U13 như ở Việt Nam. Thay vào đó là những ngày hội bóng đá trẻ, nơi các đội giao lưu với nhau, "bệnh" thành tích không thể hoành hành bởi chẳng có chức vô địch nào được trao ở đó. Các trận đấu diễn ra vui vẻ, trẻ không chịu áp lực thành tích và người lớn cũng không thể nương theo đó để mưu lợi cá nhân. Như Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh nhận xét: Tất cả đều bắt nguồn từ người lớn, những người có trách nhiệm. Chừng nào người lớn còn tìm thấy lợi ích cá nhân từ thành tích ở các giải trẻ, chừng đó cuộc chiến chống gian lận tuổi chưa thể kết thúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.