(HNMCT) - Xã hội hiện đại, việc thanh niên chưa đến tuổi kết hôn ra ngoài ở riêng, sống độc lập với cha mẹ không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, thực trạng này cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề như sự mất kết nối giữa các thành viên; sự thiếu quan tâm chăm sóc đối với cha mẹ, nhất là tại các nước phát triển - nơi có tỷ lệ già hóa dân số đang ở mức cao.
Từ xu thế thích sống một mình
Tại các nước châu Âu, hầu hết thanh niên bắt đầu cuộc sống tự lập khi có việc làm và độc lập về tài chính. Tại Mỹ, việc một người trẻ tuổi sống cùng cha mẹ quá lâu thường được cho là khó chấp nhận. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, nhiều thanh niên đã thuê nhà ở riêng. Rất hiếm gặp các thanh niên Mỹ sau 25 tuổi hoặc sau kết hôn mà vẫn sống với cha mẹ.
Giống như thanh niên Mỹ, người Thụy Điển từ nhỏ đã được dạy cách sống tự lập, cách quản lý tiền bạc, trả các hóa đơn... Vì thế, sau khi rời trường trung học (18 tuổi), thanh niên Thụy Điển rời khỏi nhà và tự thuê một căn hộ riêng, tuy nhiên, họ thường vẫn sống cùng một thành phố với cha mẹ để không làm mất liên lạc với họ. Những người trẻ tuổi vẫn phải sống phụ thuộc vào cha mẹ ở nước này không được đồng tình và bị gọi là "mambo", nghĩa là "bám váy mẹ".
Tại châu Á, xu hướng thích sống một mình được thể hiện rõ trong những năm gần đây. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, xu hướng này được biết đến với tên gọi “Ohitorisama” và “Honjok”, ý chỉ lối sống và làm việc một mình, tận hưởng không gian, thời gian riêng mà không cần bạn đồng hành.
Tại Trung Quốc, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tính đến cuối năm 2020, cấu trúc hộ gia đình tại đây đang có sự thay đổi rõ rệt với chiều hướng suy giảm từ 3,1 người/hộ năm 2010 xuống chỉ còn 2,6 người/hộ. Giáo sư Zhu Qin của Trung tâm nghiên cứu chính sách phát triển dân số (CPDPS) cho biết, lối sống độc thân hoặc tự lập ngày càng lan rộng trong xã hội Trung Quốc. Tại Thượng Hải, hơn 40% số người trên 60 tuổi sống độc lập với con cái trong khi chuyện ở riêng đã thành mong ước chung của hầu hết các bạn trẻ.
Khuyến khích sự gắn kết
Tuy nhiên, xu hướng sống một mình cũng gây ra nhiều vấn đề xã hội, chủ yếu là do tốc độ già hóa dân số nhanh, đẩy nhiều người già vào cảnh không người chăm nom, trò chuyện. Trước thực trạng đó, chính phủ Singapore đưa ra nhiều chính sách khuyến khích con cái sống chung với cha mẹ cho đến tuổi kết hôn.
Theo đó, những căn hộ mới xây chỉ được trợ cấp và ưu tiên bán cho những cặp vợ chồng kết hôn lần đầu, còn người độc thân chỉ được mua nhà sau khi bước sang tuổi 35, trừ khi họ là người góa bụa hoặc mồ côi. Ngoài ra, chi phí thuê nhà tại đảo quốc Sư tử rất đắt, lên tới 2.800 SGD/tháng cho một căn hộ gần trung tâm. Vì thế, đa số người thuê loại nhà này là chuyên gia có công việc ổn định.
Tại Anh, chính phủ nước này đã thành lập “Bộ Cô đơn” để người già được hưởng sự chăm sóc tốt nhất. Còn tại Nepal, theo Luật Người cao tuổi hiện hành, những ai trên 60 tuổi được coi là người cao tuổi. Văn bản này bao quát trách nhiệm mà người làm con phải thực hiện để phụng dưỡng cha mẹ già.
Chẳng hạn, luật quy định, mỗi thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi theo tình trạng kinh tế và uy tín của mình. Không ai được phép tách người có tuổi khỏi gia đình hoặc ép buộc người có tuổi phải rời khỏi gia đình và ngược lại với ý muốn của họ. Nếu điều kiện kinh tế của người cao tuổi và thành viên trong gia đình đang phụng dưỡng họ không bảo đảm, các thành viên khác có nghĩa vụ chăm sóc và bảo vệ người có tuổi cho dù họ không ở cùng...
Đặc biệt, để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho các bậc cao niên, một dự luật đã bổ sung điều khoản vô cùng chặt chẽ khi bắt buộc các con phải đóng góp tài chính để chăm sóc đấng sinh thành. Cụ thể, năm 2019, Nội các Nepal đã quyết định trình Quốc hội dự luật sửa đổi Luật Người cao tuổi năm 2006, trong đó có một điều khoản rất đáng chú ý, đó là con cái sẽ phải gửi 5 - 10% thu nhập vào tài khoản ngân hàng của cha mẹ già nhằm bảo đảm các đấng sinh thành được sống an nhàn lúc xế chiều. Ngay khi luật có hiệu lực, cá nhân nào không tuân thủ điều khoản trên sẽ phải đối mặt với án phạt. Số tiền phạt sẽ được gửi vào tài khoản ngân hàng của chính cha mẹ người vi phạm.
Nhìn vào động thái của nhiều quốc gia trên thế giới, có thể thấy, dù ở gần hay ở xa thì việc giữ liên lạc, thể hiện tình cảm, sự quan tâm tới nhau giữa các thành viên gia đình vẫn rất quan trọng. Giao tiếp luôn là sợi dây bền chặt gắn kết tình thân, xóa nhòa khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.