Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tiết đối phó kỳ thi “hai chung”

Theo Phạm Anh| 26/11/2014 16:14

Dù mới qua nửa học kỳ, học sinh khối 12 đã phải tất bật tối ngày cho việc ôn luyện trong và ngoài trường để chuẩn bị cho kỳ thi “hai chung”.

Tháng 9/2014, Bộ GD-ĐT chốt phương án kỳ thi THPT quốc gia với mong muốn giảm áp lực thi cử cho học sinh (HS). Tuy nhiên, ngay từ thời gian này nhiều trường THPT tại TPHCM đã ráo riết phân loại HS và lên kế hoạch tăng tiết theo năng lực HS, phụ đạo cho HS yếu, định hướng giáo viên giảng dạy theo hướng thi mới…

Vội vã phân loại năng lực học sinh

Dù kỳ thi “hai chung” còn cách khá xa nhưng hầu hết các trường THPT trên địa bàn TPHCM đều đã cho HS đăng ký môn học theo nguyện vọng hoặc kiểm tra năng lực để lên kế hoạch dạy thêm (tăng tiết) cho phù hợp nhằm đạt kết quả cao.

Cụ thể, tại Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), kết thúc kỳ thi giữa học kỳ 1 trường đã rà soát kết quả học tập của HS, cho HS đăng ký các môn thi tự chọn. Đồng thời kết hợp với đánh giá của các giáo viên, nhà trường xếp lớp tăng tiết cho các em vào các buổi chiều và tối.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay đây là khoảng thời gian nhà trường khá vất vả để phân lớp, tổ chức giảng dạy phù hợp cho HS. Dựa vào kết quả thi giữa kỳ cùng với bản đăng ký nguyện vọng của các HS, giáo viên xem xét xem các em đăng ký đã đúng chưa, nếu HS nào chọn môn học quá khả năng hoặc thiếu tự tin khi chọn môn thi, giáo viên phải có trách nhiệm tư vấn để các em chọn đúng.

Học sinh bắt đầu vào ca học thêm tại Trường THPT Tenlơman, quận 1, TPHCM. (Ảnh chụp tối 25/11). (Ảnh: HTD)


“Để phân loại chính xác, nhà trường tổ chức thi giữa kỳ cho HS khối 12 một cách nghiêm túc và yêu cầu tổ chuyên môn phải ra đề sát với nội dung thi đại học năm tới. Tôi cũng nói thẳng với HS rằng trình độ các em so với mặt bằng chung là rất yếu, nếu các em muốn vào ĐH-CĐ thì phải đăng ký học thêm. HS lớp 12 sẽ phải học thêm 14 tiết/tuần. Em nào chọn lệch nguyện vọng, giáo viên bộ môn phải có ý kiến để chuyển môn cho em đó ngay” - bà Hương nói.

Tình hình ôn luyện cũng diễn ra tương tự tại Trường THPT tư thục Nhân Việt (quận Tân Phú). Ngay sau khi có thông báo chốt phương án thi, các HS khối 12 được nhà trường kiểm tra năng lực để phân loại và lên kế hoạch học tập cụ thể. Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay kế hoạch phân lớp và phân bổ giáo viên giảng dạy hiện đã ổn định. Do đề thi ra theo hướng mới nên thầy và trò ít nhiều sẽ vất vả, số tiết dạy phải tăng lên như toán từ năm tiết/tuần lên 12 tiết/tuần, tiếng Anh và ngữ văn cũng tăng từ bốn tiết/tuần lên thành 10 tiết/tuần. Ngoài ra, trường vẫn mở các lớp theo khối thi cũ dành cho những HS có nguyện vọng. Đối với các HS yếu, trường mở lớp để phụ đạo thêm vào buổi tối. Các giáo viên cũng vì thế mà làm việc liên tục với nội dung và phương pháp giảng dạy theo hình thức thi mới.

Học ngày lẫn đêm

Ngoài ôn luyện trong trường, nhiều HS vẫn học thêm ở bên ngoài. Tại cổng Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), dù chiều thứ Bảy nhưng vẫn rất đông HS lớp 12 tập trung để chờ học ca tối. Chờ con ở cổng trường, anh Hoàng Thái cho biết từ tháng 10 trường đã cho các HS đăng ký môn học để xếp lớp tăng tiết và phụ đạo. Anh cho con theo học nhưng qua học kỳ 2 chỉ cho con học buổi chiều trong trường, còn buổi tối sẽ cho con đến ôn luyện ở một trung tâm luyện thi bên ngoài cho chắc ăn.

Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), HS học cả ngày đã khá mỏi mệt nhưng cứ chiều tối nhiều HS lớp 12 dồn về cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng (đặt tại Trường THPT Tenlơman, quận 1) để bắt đầu ca học thêm lúc 17 giờ 45. Em Diệu Liên, HS lớp 12 trường này, cho biết từ đầu năm học nhiều bạn đã đăng ký ôn luyện buổi tối ở trong trường lẫn bên ngoài.

“Năm nay kỳ thi “hai chung”, vừa để xét tốt nghiệp vừa xét đại học nên chắc đề thi sẽ khó hơn. Ngoài ba môn bắt buộc, em chọn học thêm hóa và vật lý để xét vào khối A và B. Hai môn này em học thêm ở nhà giáo viên vì nơi này dạy kỹ hơn ở trường” - Diệu Liên chia sẻ.

- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được tổ chức từ ngày 9 đến 12/6/2015. HS phải thi ít nhất bốn môn, gồm ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý.

- Để xét tốt nghiệp, các sở GD&ĐT kết hợp sử dụng kết quả bốn môn thi với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có). Với phương án này, các trường và HS không được coi nhẹ môn học nào, từng bước khắc phục quan niệm môn chính, môn phụ.

- Nhà trường cần phổ biến và định hướng cho HS chọn môn thi, học tập một cách nhẹ nhàng và phù hợp, không tạo áp lực gây xáo trộn việc học. Đề thi sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014.

(Trích hướng dẫn đổi mới kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT)

Khi Bộ GD&ĐT có phương án mới thi theo “hai chung”, nhiều HS có nhu cầu đổi lại môn học để thi. Nhà trường sẵn sàng cho các em đăng ký lại để không gây lo lắng cho các em và phụ huynh. Ngoài ra, trường vẫn liên tục phổ biến những điểm mới về thi cử cho các em; giáo viên phải thường xuyên theo dõi để định hướng chọn môn học và khối thi cho các em kịp thời, hạn chế tối đa việc HS đăng ký học theo cảm tính.


Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPTNgô Thời Nhiệm (quận 9)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tiết đối phó kỳ thi “hai chung”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.