Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng nội địa hóa, tăng tính cạnh tranh?

Nguyễn Đức| 20/07/2010 08:24

(HNM) - Ngày 5-10-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2010, tầm nhìn 2020. Một trong những mục tiêu quan trọng là tăng tỷ lệ nội địa hóa để bảo đảm tính cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.


Có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) Đỗ Nga Việt cho biết, các doanh nghiệp (DN) trực thuộc Tổng công ty chắc chắn sẽ đạt được tỷ lệ nội địa hóa mà Chính phủ đặt ra. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của Vinamotor đã đạt khoảng 40%. Vinamotor không đặt tham vọng vào sản xuất xe con mà tập trung vào sản xuất xe thương dụng bus, xe tải nhẹ. Dây chuyền sản xuất hiện đại nhất của Vinamotor nằm tại Nhà máy ô tô Đồng Vàng 1, nhưng các sản phẩm xuất xưởng từ nơi đây hoàn toàn mang thương hiệu Hyundai (Hàn Quốc) bởi phải nhập khẩu linh kiện và lắp ráp theo đúng tiêu chuẩn của hãng.

Đây được xem là "cổng công nghệ" để Vinamotor học hỏi, tiếp cận kinh nghiệm sản xuất ô tô. Các DN còn lại như Công ty Cơ khí ô tô 3-2, Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự, Nhà máy Sản xuất ô tô 1-5 đều có những dây chuyền sản xuất đặc trưng và đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Trong số những DN trên, Công ty Cơ khí ô tô 3-2 có dây chuyền Sản xuất hiện đại nhất và tự sản xuất được nhiều chi tiết sản phẩm đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đây cũng là DN làm ăn hiệu quả với mức lương bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng. Dù cơ sở hạ tầng, thiết bị chế tạo không bằng  3-2, nhưng cơ khí Ngô Gia Tự và 1-5 cũng có những thế mạnh của riêng mình để tồn tại và đứng vững trong bối cảnh thị trường ô tô thế giới gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Dù có mạnh, có yếu, nhưng các DN trên đều có điểm chung là sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Ví dụ, cùng là chiếc xe 29 chỗ, nhưng tất cả đều có thể sản xuất xe có chất lượng, giá cả phù hợp với túi tiền của khách hàng với mức giá dao động từ hơn 500 triệu đồng đến hơn 900 triệu đồng/xe. Các DN đều khẳng định, về chất lượng, các xe đều bảo đảm yêu cầu an toàn kỹ thuật, nhưng mức độ tiện nghi, hiện đại lại hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, một số loại sản phẩm của Vinamotor đã vượt qua biên giới Việt Nam đến các thị trường trong khu vực và châu Mỹ. Chính nhờ sự đa dạng hóa sản phẩm nên các DN mới có thể tồn tại, đứng vững.

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2010

- Đáp ứng hơn 80% nhu cầu trong nước về xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con) với tỷ lệ nội địa hóa 60%.
- Đáp ứng 60% thị trường về xe chuyên dụng với tỷ lệ nội địa hóa 60%
- Về xe tải, xe khách cao cấp, đáp ứng 80% nhu cầu với tỷ lệ nội địa hóa 35%-40%.

Tổng Giám đốc Đỗ Nga Việt cho biết, DN hoàn toàn có thể nhập những dây chuyền hiện đại thay vì sản xuất thủ công, nhưng nếu nhập như vậy sẽ không có lãi, trong khi mục tiêu bảo toàn vốn của bất kỳ DN nào cũng được đặt lên hàng đầu. Một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất ô tô cho biết, nhập một dây chuyền có lãi, một năm phải sản xuất, bán ra tối thiểu 20 nghìn sản phẩm. Sản xuất thì có thể, nhưng với mức tiêu thụ và yêu cầu đặt xe của khách hàng hiện nay, sẽ rất khó tiêu thụ và gần như cầm chắc lỗ. Đó là lý do các DN, đặc biệt là DN nhà nước không dám "bạo tay" đầu tư.

Nhưng thiếu thủ lĩnh và liên kết
Lâu nay, nhắc tới ngành công nghiệp ô tô nước nhà, nhiều người thường nghĩ ngay tới Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Tuy nhiên, nhìn nhận chính xác thì mình Vinamotor cũng chỉ như một DN có truyền thống, chưa đủ sức xốc dậy ngành công nghiệp ô tô. Trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Chính phủ giao nhiệm vụ cho một loạt DN nhà nước gồm: Vinamotor, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp, Tổng Công ty Than Việt Nam, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) đảm nhiệm vai trò nòng cốt, xây dựng và triển khai các dự án đầu tư, lắp ráp ô tô. Nhưng nhìn nhận khách quan, trong số các DN trên chỉ có Vinamotor và Samco có chút "số má" trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe thương dụng bus và xe tải. Còn ô tô con, thị phần gần như hòan toàn thuộc về các DN nhập khẩu và liên doanh nước ngoài.

PGS - TS Dư Quốc Thịnh, Tổng Thư ký Hiệp hội kỹ sư ô tô Việt Nam cho biết, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đối với DN FDI chỉ khoảng 5%-7%. Với dòng xe khách, xe buýt, xe tải nhẹ, tỷ lệ của hơn 40 DN sản xuất ô tô trong nước đã có thể đạt 40%-45%. Theo cam kết hội nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm dần, đến năm 2018 sẽ từ 0% đến 5% với nhiều loại xe và phụ tùng, linh kiện nhập khẩu. Rõ ràng, nếu không đạt được mức độ tỷ lệ nội địa hóa nhất định, ngành công nghiệp ô tô sẽ thiếu sức cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đầu tư mạnh để tăng tỷ lệ nội địa hóa lại là bài toán khó cho các DN, đặc biệt là DN nhà nước.

Theo ông Đỗ Nga Việt, các DN thuộc Tổng công ty cũng đang hướng tới đầu tư, chuyên môn hóa để hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, không thể có sự đầu tư ồ ạt mà phải theo yêu cầu của khách hàng và bảo đảm yếu tố lợi nhuận. Ngành công nghiệp ô tô đang thiếu "thủ lĩnh" và tính liên kết giữa các DN, cần thiết có sự đầu tư cho DN nhà nước để vừa nâng cao tỷ lệ nội địa hóa vừa bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế, bởi không thể trông chờ vào các DN 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng nội địa hóa, tăng tính cạnh tranh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.