(HNM) - Chính sách bảo hiểm xã hội triển khai sâu rộng trên địa bàn Hà Nội góp phần tạo “giá đỡ an sinh” cho người dân, người lao động. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng nguồn thu, giảm nợ đóng bảo hiểm xã hội, qua đó thiết thực bảo đảm an sinh xã hội.
Nợ đóng bảo hiểm xã hội có chiều hướng tăng
Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Hà Nội đã tác động tiêu cực đến một bộ phận không nhỏ đơn vị, doanh nghiệp, người lao động. Điều này dẫn đến hệ quả, việc mở rộng số người tham gia bảo hiểm xã hội không dễ thực hiện, còn số lượng đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội có chiều hướng tăng.
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 4-2021, toàn thành phố có hơn 1,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ tăng 5.000 người so với thời điểm cuối năm 2020; có hơn 7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, bằng 89,7% dân số Thủ đô, giảm so với cuối năm 2020 (cuối năm 2020 là 90,1%). Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới đạt hơn 50.000 người, còn quá ít so với số lượng khoảng hơn 2 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, Hà Nội hiện còn hơn 70.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng số tiền phải thu trong năm 2021, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài mới là: Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, trụ sở tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy); Công ty cổ phần 407, trụ sở tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai)…
Việc khó phát triển đối tượng tham gia, lại tăng số lượng đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng đến kết quả thu. “Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2021 của thành phố là gần 14.618 tỷ đồng, tuy có tăng so với cùng kỳ năm 2020, nhưng mới đạt 28,2% kế hoạch thu của năm 2021”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa thông tin.
Mặt khác, việc nợ đóng bảo hiểm xã hội cũng ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và người lao động. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh (huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Tiêu, khi doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, họ sẽ mất lực lượng lao động giỏi, giảm uy tín, thương hiệu. Còn theo chị Nguyễn Thị Thanh Tú, phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm), từng làm việc tại Công ty cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội - một trong những doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, làm việc ở những doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, người lao động bị mất nhiều quyền lợi. Trong trường hợp không may bị ốm đau, tai nạn lao động... người lao động không được thụ hưởng các chế độ do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để tăng nguồn thu, giảm tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, ngành Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã, đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; mở rộng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... “Bằng cách này, thời gian gần đây, quận Cầu Giấy đã phát triển mới hơn 1.000 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thu hút thêm hàng nghìn người dân tham gia bảo hiểm y tế”, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết.
Với các trường hợp đã có tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID trên nền tảng thiết bị di động. “Qua việc sử dụng ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID vào tháng 3-2021, tôi đã phát hiện ra mình ngừng tham gia bảo hiểm y tế từ đầu năm 2020. Ngay sau đó, tôi đã đăng ký mua bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình để được tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội”, anh Nguyễn Văn Hùng (thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) cho hay.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, cơ quan bảo hiểm xã hội từ thành phố tới cơ sở cùng chính quyền địa phương thường xuyên mời những doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội đến làm việc và yêu cầu nộp số tiền nợ theo quy định. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố cũng phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về bảo hiểm xã hội.
“Trong 4 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng đã tiến hành hơn 1.100 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, thu về hơn 113 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, chúng tôi kiến nghị thành phố Hà Nội không để các doanh nghiệp chưa hoàn thành trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội tham gia đấu thầu, đầu tư dự án của thành phố, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự”, Phó Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn Thúy Hằng cho biết.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hy vọng đến cuối năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành được mục tiêu số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 39% lực lượng lao động trong độ tuổi (hiện nay là 37%) và số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,5% dân số; tăng nguồn thu, giảm nợ đóng bảo hiểm xã hội, thiết thực bảo đảm an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.