Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững

Hương Ly| 28/05/2016 07:14

(HNM) - Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tổ chức thanh tra lồng ghép để tránh trùng lặp, chồng chéo; thống kê và công khai tin, bài báo chí phát hiện hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của doanh nghiệp (DN) gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết... là những hành động quyết liệt, được Chính phủ nêu rõ tại Nghị quyết 35/NQ-CP (NQ35), vừa ban hành trung tuần tháng 5 nhằm xây dựng môi trường kinh doanh (MTKD) lành mạnh cho DN góp phần tăng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ để phát triển.Ảnh: viết thành


Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà khẳng định như vậy tại cuộc họp báo giới thiệu NQ35, do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 27-5, tại Hà Nội.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

Được ban hành ngay sau hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ DN, NQ35 được kỳ vọng sẽ mở ra MTKD thuận lợi, để cộng đồng DN phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), từ đó đóng góp tích cực cho ngân sách. Tại nghị quyết này, Chính phủ xác định rõ mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng cộng đồng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Cả nước có ít nhất một triệu DN hoạt động, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP, 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhận xét về mục tiêu tăng gấp đôi số lượng DN từ nay đến năm 2020, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, đây là "tham vọng" lớn của Chính phủ, bởi hiện nước ta mới có hơn 500.000 DN.

Thực tế cho thấy, để thực hiện NQ 35, còn ngổn ngang công việc. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2015), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cuối tháng 4, khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn có cảm nhận bị "phân biệt, lép vé" so với các DN lớn trên một số lĩnh vực như: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ DN. 65% DN nhỏ và siêu nhỏ cho biết phải thường xuyên chi trả chi phí không chính thức. Chỉ 51-61% DNNVV có thông tin về các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thấp hơn nhiều so với nhóm DN lớn (77%). Thế nhưng, một hiện tượng đáng lo ngại là các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao. Các DNNVV thông thường phải tiếp đón 1-2 đoàn thanh tra/năm, trong khi DN quy mô lớn khoảng 3 đoàn/năm. Ngoài ra, 25% DN siêu nhỏ, DN nhỏ và 30% DN vừa cho biết nội dung thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp…

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, có nhiều thông tin về chi phí không chính thức của DN, chủ yếu liên quan đến các thủ tục kinh doanh có điều kiện; và hầu hết DN cho biết họ phải mất phí "bôi trơn". "Thuế, phí hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận của DN, đó là mức cao so với khu vực" - bà Hằng cho biết.

Nhận xét về mức thuế, phí mà DN phải "gồng gánh", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, DN sẽ mất năng lực cạnh tranh từ những chi phí này. "DN và xã hội có quyền yêu cầu làm rõ vấn đề này. Riêng khoản phí giao thông đã ảnh hưởng tới từng cân thịt, cân gạo, mớ rau… của người dân đưa nông sản ra thành phố" - ông Đông nhận định.

Công khai kết quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp

Theo ông Lê Mạnh Hà, NQ35 của Chính phủ có 10 nguyên tắc, nổi bật là DN tư nhân được xác định là động lực phát triển kinh tế; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm và tổ chức theo hướng liên ngành để tránh trùng lặp… giúp cho những sự việc đáng tiếc như vụ quán cà phê "Xin chào" không lặp lại. "Nếu các tỉnh, thành phố thực hiện đúng, DN sẽ yên tâm làm ăn" - ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới, Chính phủ sẽ làm gì nhằm giám sát việc thực hiện quy định đã nêu tại NQ35, ông Lê Mạnh Hà khẳng định, với các kiến nghị của DN về MTKD, các bộ, ngành, địa phương, VCCI phải công khai kết quả giải quyết để DN nắm rõ tiến độ; trường hợp tồn đọng cũng phải nêu rõ lý do. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công khai phản ánh của báo chí về hành vi tiêu cực, gây khó khăn cho DN và kết quả giải quyết vụ việc. Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN sẽ báo cáo, giao ban hằng quý, hằng tháng để Chính phủ nắm rõ tiến độ thực hiện và phương án xử lý.

Liên quan đến những khoản phí không chính thức, ông Lê Mạnh Hà cho biết, VCCI có trách nhiệm thống kê, đánh giá và đề xuất biện pháp giải quyết; UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với DN 2 lần/năm để cải thiện tình hình. Nếu phát hiện thanh tra quá 1 lần/năm, DN có quyền không tiếp.

Ông Lê Mạnh Hà cũng khẳng định, ngay sau khi NQ35 được ban hành, TP Hà Nội đã có những bước đi đầu tiên nhằm cải thiện MTKD, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào thực thi các thủ tục hành chính, tạo tiền đề triển khai chính quyền điện tử. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT sẽ tiết kiệm khoảng 1 tỷ USD chi phí hành chính cho TP Hà Nội; lớn hơn nhiều là thời gian và chi phí mà cộng đồng DN tiết kiệm được.

Chính phủ đã cụ thể hóa những quy định nhằm xây dựng một MTKD minh bạch. Vấn đề còn lại là sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương nhằm gỡ bỏ những rào cản đang ngáng đường DN, tránh tình trạng Trung ương quyết liệt còn địa phương vẫn y nguyên. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.