(HNMO) - Hiện đang có những ý kiến khác nhau về quan hệ tăng lương tối thiểu và năng suất lao động trong nền kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu. Tăng lương tối thiểu ra sao khi mà năng suất lao động của Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm thấp của khu vực?
Đó là một trong nhiều vấn đề đã được đặt ra trong cuộc hội thảo quốc gia về “Chính sách tiền lương tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập”, do Bộ LĐTB&XH, Hội đồng tiền lương Quốc gia phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức trong hai ngày 25 và 26/11/2014. Không những ở Việt Nam mà bất cứ người lao động nào cũng vậy, tiền lương luôn là nguồn thu nhập chính để nuôi sống họ và gia đình.
Ảnh minh họa. Nguồn: vneconomy.vn |
Số liệu thống kê từ ILO cho thấy hiện ở Việt Nam mới chỉ có trên 30% số lao động có việc làm là được hưởng lương. Trong khi đó tỷ lệ này tính trung bình trên thế giới chiếm khoảng 50%. Đặc biệt, trong ngành nông nghiệp Việt Nam thì tỷ lệ này còn thấp hơn nữa, chiếm khoảng 10%. Không những vậy mức lương bình quân thực tế hàng tháng của người lao động (sau khi đã loại trừ yếu tố lạm phát) tăng trưởng rất thấp so với các nước khối ASEAN. Riêng hai năm qua, tiền lương thực tế tại Việt Nam đã tăng lên một phần là nhờ lương tối thiểu tăng. Cụ thể, năm 2012, tại Việt Nam mức lương bình quân mới đạt 3,8 triệu/đồng/tháng (181 USD), chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và Indonessia (174 USD). Nhưng mức này vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malayssia (609 USD) và Singapore (3.547 USD).
Đánh giá về tiền lương trong khu vực, một chuyên gia cao cấp về tiền lương của Văn phòng ILO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhận xét, sự khác biệt lớn về tiền lương giữa các quốc gia thành viên ASEAN phản ánh những khác biệt trên nhiều phương diện trong đó có năng suất lao động. Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động là những yếu tố tạo ra nên tảng cho hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp để chuyển đổi sang lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, mức lương tốt hơn.
Còn về lương tối thiểu, nhiều chuyên gia lao động đều cho rằng đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động. Điều đáng nói hiện nay là mức lương tối thiểu chưa đảm bảo cuộc sống tối thiểu có mối quan hệ như thế nào với việc tăng năng suất lao động. Vấn đề này đã được các chuyên gia đưa ra bàn luận cũng những có những ý kiến khác nhau. Thực tế, luật pháp đã quy định tiền lương tối thiểu phải gắn với mức sống tối thiểu hay hiểu đơn giản là phải đủ ăn mới làm được việc. Thế nhưng, hiện lương tối thiểu chỉ đáp ứng được khoảng 70% mức sống tối thiểu. Vậy liệu đã có điều kiện đủ để bàn đến việc tăng năng suất lao động được hay không?
Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động VN), nhấn mạnh, mức lương tối thiểu để các doanh nghiệp làm cơ sở chi trả lương cho người lao động ở Việt Nam hiện nay vẫn nằm dưới mức sống tối thiểu, đó là điều phía Công đoàn đang đấu tranh đòi khắc phục. Chủ tịch EuroCham lại cho rằng: “Cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng an sinh xã hội chứ đừng dựa hết vào tăng lương tối thiểu. Đừng nghĩ rằng tăng lương tối thiểu 30% thì mức thu nhập sẽ tăng 30% mà phải tính sao cho tăng tới mức 40%? Trong 5 năm qua, mức lương tối thiểu tăng nhanh. Chúng tôi muốn biết lộ trình cụ thể trong việc tăng lương từ 5-10 năm tới ra sao”.
Trong khi đó, một số nghiên cứu cho thấy tăng tiền lương khiến người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư kỹ thuật, quá trình làm việc hiệu quả hơn. Thực tế, không có doanh nghiệp nào chủ trương trả lương thấp cho lao động cả. Vì doanh nghiệp cũng rất cần lao động giỏi. Muốn vậy, họ sẽ phải trả lương cao cho lao động giỏi. Vì thế rất nhiều doanh nghiệp đang có xu thế nâng cao chất lượng môi trường làm việc để giữ lao động, tăng năng suất lao động.
Phía Nhà nước luôn cho rằng, mức lương tối thiểu là một chính sách quan trọng, nhằm đảm bảo thu nhập cho người lao động nghèo khó nhất. Bàn về lộ trình tăng lương tối thiểu, ông Phạm Minh Huân Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết nhiều doanh nghiệp còn muốn kéo dài lộ trình đến năm 2020 thì lương tối thiểu mới bằng mức sống tối thiểu. Nhưng “Chính phủ vẫn kiên trì lộ trình tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu vào năm 2017”. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, thực tế chênh lệch mức lương là điều đương nhiên trong quá trình phát triển. Nhằm hạn chế thực tế này, chúng ta cần phải tái cơ cấu nền kinh tế, đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, trong đó có cả tăng chất lượng giáo dục, đào tạo dạy nghề cho người lao động.
Hiện nay, công việc xử lý vấn đề tiền lương là vừa làm gia tăng thu nhập cho mọi người nhưng phải đảm bảo tính bình đẳng. Điều này liên quan đến lương tối thiểu. Tăng lương tối thiểu sẽ buộc người sử dụng lao động phải đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn, quản lý quá trình hoạt động tại doanh nghiệp tốt hơn, qua đó làm tăng năng suất lao động. Kết quả là tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và cả nền kinh tế nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.