Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng lương tối thiểu để kích thích tăng trưởng

Trọng Ngôn| 09/05/2022 07:10

(HNM) - Nếu chủ trương tăng lương tối thiểu vùng được Chính phủ thông qua, mức lương tối thiểu của thành phố Hồ Chí Minh (thuộc vùng I) sẽ tăng thêm 260.000 đồng/tháng từ ngày 1-7 (hiện mức lương tối thiểu vùng I là 4,42 triệu đồng/tháng).

Anh Nguyễn Văn Minh, công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) chia sẻ: “Nếu được thông qua, lương tối thiểu của công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng thêm 260.000 đồng/tháng. Tuy không phải số tiền lớn nhưng là khoản bù đắp rất cần thiết cho thu nhập của người lao động”.

Nếu được thông qua, từ ngày 1-7-2022, mức lương tối thiểu vùng tại thành phố Hồ Chí Minh (vùng I) đạt 4.680.000 đồng/người/22 ngày làm việc (tăng 6%). Theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, tăng lương tối thiểu vùng lên 6% sẽ kích thích rất nhiều cho người lao động, giúp họ có thêm động lực làm việc, yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Trần Việt Anh cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp người lao động có động lực làm việc, giúp tăng năng suất lao động, còn doanh nghiệp sẽ đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh từng tháng, quý, năm chặt chẽ hơn, qua đó sẽ có chính sách thưởng cho người lao động có năng suất làm việc cao.

Nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đồng thuận với mức tăng lương tối thiểu vùng đợt này. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fujiwa Việt Nam (quận Tân Bình) Ngô Thị Thu Thủy cho biết, hoạt động trong ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng, doanh nghiệp luôn mong muốn người lao động có được mức thu nhập tương xứng với đóng góp của họ. “Chúng tôi đồng thuận với mức tăng lương tối thiểu đợt này, mặc dù doanh nghiệp vừa mới phục hồi sau đại dịch Covid-19”, bà Thủy cho hay.

Còn Chủ tịch Công đoàn Công ty Vifon (quận Tân Phú) Nguyễn Văn Chức thông tin, doanh nghiệp sẽ tiêu tốn thêm từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, nhưng đây là mức chấp nhận được.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho rằng, tiền lương phải bảo đảm cho người lao động sống được, để tái tạo sức lao động. Tiền lương muốn tăng lên thì kinh tế phải tăng trưởng, doanh nghiệp có lợi nhuận cao. Chính vì vậy, bài toán lâu dài là nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động để tạo ra năng suất lao động cao hơn, kích thích sự sáng tạo, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Bản thân doanh nghiệp phải cơ cấu lại bộ máy vận hành, đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại, đưa hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng lên.

Trong bối cảnh phần lớn hàng hóa tiêu dùng đều tăng trong thời gian gần đây, việc tăng lương tối thiểu mỗi tháng vài trăm nghìn đồng khó bù đắp được chi phí sinh hoạt mà người lao động phải chi trả để bảo đảm mức sống đầy đủ.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung chia sẻ, nếu Nhà nước và doanh nghiệp có thêm chính sách hỗ trợ khác cho người lao động như về giáo dục, y tế, các chương trình phúc lợi xã hội thì mức tăng lương tối thiểu lần này cơ bản bảo đảm được mức sống tương đối cho người lao động trong giai đoạn nhất định.

Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, chi phí tiền lương cho người lao động là một trong các thành tố cấu thành chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tối ưu hóa các chi phí khác để nâng lương cho người lao động, qua đó sẽ kích thích sản xuất, kinh doanh, nâng cao lợi nhuận. Tăng lương tối thiểu vùng cũng là tín hiệu cho thấy nền kinh tế phục hồi tích cực, quan hệ lao động ngày càng hài hòa, gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương tối thiểu để kích thích tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.