Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng liên kết vùng, bám sát "trục" thiết chế văn hóa

Mai Hoa| 11/06/2015 06:32

(HNM) - Sáng 10-6, tại Hà Nội, hội thảo

Gần 20 ý kiến, tham luận của các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề cụ thể nhằm tăng tính liên kết vùng, bám "trục" thiết chế văn hóa, góp phần hoàn thiện dự thảo Quy hoạch trước khi thông qua Hội đồng Thẩm định và trình Chính phủ, dự kiến vào ngày 30-6 tới đây.

Cần quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch bảo đảm tính khoa học, tính khả thi. Ảnh: Gia hiếu



Tăng cường liên kết vùng: Khó, vẫn phải làm!

"Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, TDTT và du lịch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" được Chính phủ giao Bộ VH-TT&DL làm cơ quan tổ chức lập quy hoạch, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam là cơ quan lập quy hoạch, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6-2015. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã nhanh chóng tập hợp tư liệu, triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể gồm hơn 400 trang với 8 phần, đánh giá đầy đủ thực trạng, đề ra định hướng, giải pháp… Tuy nhiên, để hoàn thiện được dự thảo Quy hoạch, không thể không có sự tham gia góp ý của các địa phương, các cục, vụ, viện hữu quan, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn của bản quy hoạch.

Rất nhiều nội dung đã được nêu ra thảo luận, trong đó vấn đề tăng cường liên kết vùng được đặc biệt lưu ý. Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Lương Hồng Quang cho rằng: "Việc tăng cường liên kết vùng thông qua nghiên cứu, lập quy hoạch trên cơ sở khoa học và thực tiễn sẽ góp phần phát huy, tạo khả năng đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với tốc độ cao và bền vững...". Tuy nhiên, đây là việc không dễ thực hiện, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách của vùng chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư, thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh để có thể khuyến khích, vận động doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia phát triển văn hóa, gia đình. Đặc biệt là sự phân bố hạ tầng cơ sở vật chất, công trình văn hóa không đồng đều giữa các địa phương. Nhiều xã, khu công nghiệp còn thiếu thiết chế văn hóa. Hoạt động hợp tác, liên kết phát triển giữa các ngành, các lĩnh vực, các địa phương và giữa các vùng, miền còn yếu…

Để kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành ở địa phương, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hải Phòng Đoàn Duy Linh nêu ý kiến: "Một mặt, bản quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phải gắn bó chặt chẽ với những bản quy hoạch ngành, quy hoạch của địa phương đã có từ trước. Mặt khác, cần nêu rõ trong định hướng về tiêu chí phát triển nguồn nhân lực, trong đó, không thể không đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo". Cùng chung quan điểm trên, GS. Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT gợi mở: "Rất cần chú trọng đến việc đầu tư cho thế hệ trẻ trong kế hoạch tăng cường liên kết vùng kinh tế trọng điểm. Ví như trong lĩnh vực TDTT, nên chăng có Hội đồng Thể thao 7 tỉnh, góp sức trong tuyển chọn, đào tạo VĐV, tạo môi trường phát triển tài năng văn hóa - thể thao cạnh tranh lành mạnh".

Bám sát "trục" thiết chế văn hóa

Nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Quy hoạch nên bám sát "trục" thiết chế văn hóa trong việc quy hoạch vùng, bởi chính những thiết chế cơ bản sẽ làm cơ sở cho các hoạt động phát triển văn hóa, gia đình, TDTT và du lịch. Cục phó Cục Văn hóa Di sản, Bộ VH-TT&DL Nguyễn Hữu Toàn chia sẻ: Đôi khi, chúng ta cần "lùi ra xa một chút" để nhìn rõ đặc trưng, thực trạng của vùng, từ đó mới có thể đưa ra các giải pháp cụ thể và khả thi. Về địa lý, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có thể coi là "vùng chuyển tiếp" về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, cũng là nơi đang có những biến đổi lớn về chuyển dịch đất nông nghiệp vào mục đích phi nông nghiệp… Tất cả đều sẽ tạo nên những biến chuyển về văn hóa, chi phối ít nhiều đến việc lập quy hoạch. Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, để bảo đảm sự thống nhất, tất cả vùng quy hoạch đều nên lấy thiết chế văn hóa đặt lên làm hàng đầu. Tiếp mạch tư duy này, Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VH-TT&DL Vương Duy Bảo khẳng định: Rất cần thiết có một bản Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, TDTT và du lịch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, xây dựng xoay quanh "trục" là hệ thống thiết chế văn hóa để định hướng chọn tỉnh trọng điểm, có hướng đầu tư trọng điểm cho cả vùng.

Đại biểu các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, các bộ, ngành… cũng nêu ra nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các chỉ tiêu về hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở do thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất. Mặt khác, trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư, cần phân loại rõ dự án cấp vùng, cấp tỉnh để có thứ tự ưu tiên phù hợp, xác định rõ quy mô cho từng dự án…

Không dễ để có được một bản quy hoạch vùng về VH, gia đình, TDTT, du lịch đủ thuyết phục tất cả, nhưng với ý thức về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc xây dựng quy hoạch, cũng như sự vào cuộc nghiêm túc của các đơn vị hữu quan, hy vọng quy hoạch sẽ được xây dựng đúng tiến độ, bảo đảm tính khoa học và tính khả thi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng liên kết vùng, bám sát "trục" thiết chế văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.