Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng hiệu quả chính quyền cơ sở

Phong Thu - Võ Lâm| 29/12/2017 07:17

(HNM) - Những năm gần đây TP Hà Nội đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã - những người trực tiếp tiếp xúc với nhân dân.

Một lớp đào tạo cán bộ chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã tại Trường Quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô). Ảnh: Bá Hoạt


Đào tạo 1.000 công chức nguồn

TP Hà Nội có địa bàn rộng, dân số đông và số đơn vị hành chính cấp huyện lớn nhất cả nước gồm 30 quận, huyện, thị xã với 584 xã, phường, thị trấn. Những năm trước, các đoàn kiểm tra công vụ của thành phố phát hiện nhiều trường hợp công chức cấp xã làm sai quy định trong tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn chưa đúng cho công dân khi làm thủ tục hành chính, đặc biệt là năng lực, tinh thần thực thi nhiệm vụ và kỹ năng giao tiếp với người dân còn chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên đến nay, số trường hợp để xảy ra thiếu sót được phát hiện đã giảm đáng kể. Đội ngũ công chức cấp xã của TP Hà Nội, nhất là ở các địa bàn xa trung tâm trước đây bị đánh giá là “vừa thiếu, vừa yếu” thì đến thời điểm này, tình trạng đó hầu như không còn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, để có những chuyển biến tích cực đó, thời gian qua, TP Hà Nội rất quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015. Đến nay, Hà Nội đã hoàn tất việc đào tạo 1.000 công chức nguồn, bố trí 734 người về làm việc tại các xã, phường, thị trấn; còn 264 người đang thực tập. Dự kiến, trong quý I-2018, số công chức nguồn này sẽ thi tốt nghiệp kết hợp thi tuyển theo quy định, sau đó sẽ được bố trí về các xã, phường, thị trấn còn thiếu.

Bà Nguyễn Thị Mùng Chín, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thạch Thất cho biết, liên tục những năm gần đây, các xã trên địa bàn huyện đều được tiếp nhận bổ sung số công chức được đào tạo từ Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn của thành phố. Điều đáng mừng là các công chức này đều được đào tạo bài bản nên khi về làm việc đã nhanh chóng tiếp cận, đáp ứng yêu cầu công việc, nhận được nhiều lời khen ngợi của người dân...

Hơn 90% hồ sơ giao dịch qua mạng

Đáng chú ý, khi TP Hà Nội bắt đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tới các phường, xã, thị trấn đã có những băn khoăn về việc công chức cấp xã, đặc biệt là ở các huyện có thể sẽ khó thích nghi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, sau khi tham gia các buổi tập huấn, hầu hết các công chức đều thao tác thuần thục, bảo đảm việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt yêu cầu công việc.

Ông Nguyễn Vinh Chuyển, công chức Văn phòng - Thống kê xã Văn Bình (huyện Thường Tín) chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, muốn xây dựng nền hành chính hiện đại thì chính công chức phải là người thích ứng nhanh nhất. Nhận thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại hiệu quả cao trong giải quyết thủ tục hành chính, ngoài công việc chuyên môn, tôi thường chủ động hướng dẫn người dân cách thao tác để họ dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới”. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều công chức xã, phường, thị trấn. Với sự nhiệt tình đó, họ đã góp phần nâng tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng của dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, thị trấn đạt trên 90%.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, đến nay đa số cán bộ, công chức của thành phố đã đáp ứng và vượt tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, chất lượng nâng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở cơ sở. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức năng lực điều hành, quản lý, thực thi nhiệm vụ còn hạn chế. Thực tế, có một số trường hợp làm người dân bức xúc như việc chậm cấp giấy chứng tử, hay việc xác nhận không đúng quy định vào lý lịch công dân…

Với yêu cầu cấp thiết của cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2315/QĐ-UBND ngày 17-4-2017, phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020”. Theo đề án, thành phố phân chia thành các nhóm đối tượng để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Theo đó, sẽ có 5.500 công chức chuyên môn, nghiệp vụ; 2.700 công chức tiếp công dân, bộ phận “một cửa” và gần 1.500 chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi công vụ.

Như vậy, với quyết tâm chung từ thành phố đến các địa phương, đội ngũ công chức cấp xã của TP Hà Nội sẽ sớm được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển, mang lại sự hài lòng cho tổ chức, công dân.

Tính đến tháng 6-2017, toàn TP Hà Nội có 5.839 công chức cấp xã (thạc sĩ: 230; đại học: 4.254; cao đẳng: 283; trung cấp: 1.093; không có sơ cấp và chưa qua đào tạo). So với năm 2015, số công chức đạt chuẩn theo quy định tăng từ 99% lên 100%. 7 chức danh công chức cấp xã bao gồm: Trưởng công an; chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự; văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng; tư pháp - hộ tịch; tài chính - kế toán; văn hóa - xã hội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng hiệu quả chính quyền cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.