Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng hấp dẫn cho điểm đến di sản

Nguyễn Thanh| 23/04/2022 06:30

(HNM) - Tăng sức hấp dẫn cho bảo tàng, di tích là một trong những yêu cầu hàng đầu của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Với sự trở lại của hoạt động tham quan, trải nghiệm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang tích cực khai thác nguồn tài nguyên di sản phong phú, đặc sắc; nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn, góp phần tăng hiệu quả giáo dục di sản, tôn vinh, quảng bá điểm đến văn hóa của Thủ đô.

Một hoạt cảnh trong chương trình “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Thanh Thảo

Sáng tạo mới từ tài nguyên di sản

Sau thành công đầy thuyết phục của các chương trình trải nghiệm di sản “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”, mới đây, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục ấp ủ, cho ra đời sản phẩm tham quan mới, với chủ đề “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”, khai thác những câu chuyện xúc động về các anh hùng, liệt sĩ trẻ tuổi, đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò.

Bà Lã Thị Thủy, Phòng Truyền thông, di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: Với mục tiêu làm sống lại những câu chuyện qua cách kể chuyện mới, “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”, dự kiến ra mắt công chúng vào tháng 7 năm nay, có nhiều cải tiến hơn so với các chương trình trải nghiệm hiện có, như: Tăng hoạt cảnh; thêm trải nghiệm thông qua các hoạt động giải mã hành trình, trò chơi tương tác, thể hiện kiến thức, hiểu biết về khu di sản…

Tương tự, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang gấp rút hoàn thiện trưng bày chuyên đề về Quốc Tử Giám, truyền tải lịch sử hình thành và phát triển trường đại học đầu tiên của đất nước, thông qua những hình ảnh đồ họa và hiện vật. Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, trưng bày với 2 không gian trong nhà và ngoài trời, thể hiện qua các pano giới thiệu, hình vẽ minh họa sinh động, ấn tượng, kết hợp với công nghệ trình chiếu ánh sáng, hình ảnh, âm thanh và các hoạt động trải nghiệm, nhằm diễn giải thông tin một cách đầy đủ và hấp dẫn tới khách tham quan. “Trưng bày đã được thẩm định, góp ý để nhanh chóng hoàn thiện, ra mắt vào tháng 6 tới”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.

Cùng với di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đang khẩn trương hình thành những chương trình trải nghiệm mới, đón đầu “làn sóng” tham quan, trải nghiệm di sản văn hóa tại Thủ đô. Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm tái hiện lễ hội chùa cổ, xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - đền Và - Đường Lâm”; Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tour tham quan, trải nghiệm “Về thời Hồng Bàng”; Khu di sản Hoàng thành Thăng Long khởi động trở lại chương trình “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” với nhiều bổ sung, cải tiến… Trong khi đó, Bảo tàng Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thi công trưng bày, góp phần sớm đưa câu chuyện văn hóa, lịch sử của Hà Nội đến với công chúng.

Xây dựng những sản phẩm có chiều sâu, bản sắc

Việc các bảo tàng, di tích sáng tạo những sản phẩm mới đã lôi cuốn, hấp dẫn khách tham quan. Bà Nguyễn Thị Oanh (phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây) cho biết: “Lễ hội vật Phùng Hưng ở làng cổ Đường Lâm vừa được tổ chức vào tháng trước với nhiều nghi thức dân gian được phục dựng... thực sự đã tạo nên không gian đậm đà bản sắc hiếm có trong đời sống hiện nay”. Còn em Lê Quang Hiếu (học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Siêu) chia sẻ: “Em đã hai lần trải nghiệm chương trình “Sống như những đóa hoa” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Hành trình ấy cho em cảm xúc thấu hiểu, tự hào với những gì đất nước đã trải qua, khâm phục các anh hùng, liệt sĩ và càng thấy giá trị của độc lập, tự do mà thế hệ đi trước đã vun đắp, gìn giữ...”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Hà Nội có nhiều lợi thế để xây dựng những chương trình trải nghiệm đặc thù, dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững. Muốn vậy, cần đào tạo đội ngũ am hiểu về văn hóa; hoạch định các chương trình dài hơi, để cho ra đời những sản phẩm có chiều sâu, bản sắc, bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Đình Phong cho biết, Cục đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản yêu cầu hệ thống bảo tàng, di tích làm tốt việc xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các đơn vị thành công để rút ra bài học, cách thức áp dụng phù hợp với đơn vị mình.

Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản, các bảo tàng, di tích tại Hà Nội đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, sáng tạo những sản phẩm mới, giới thiệu tới công chúng và du khách; đồng thời, quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ văn hóa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng hấp dẫn cho điểm đến di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.