(HNM) - Nếu lần xăng tăng giá mới đây (ngày 13-8) được ví như
Giá xăng liên tục tăng khiến các mặt hàng thực phẩm cũng tăng theo. Ảnh: Đàm Duy
Hai doanh nghiệp (DN) đề nghị tăng giá là Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Đồng Tháp và Tổng Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec, vẫn với lý do muôn thuở là "do giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng mạnh". Nếu đề xuất này được Bộ Tài chính chấp thuận thì chỉ trong vòng hơn 20 ngày (từ ngày 1-8), giá xăng tăng tới ba lần, còn tính từ đầu năm tới nay thì là lần tăng thứ 5! Người tiêu dùng đang trông đợi Nhà nước có những giải pháp can thiệp hiệu quả, kịp thời, không để từ thả lỏng trong "tự chủ" về giá xăng dầu của DN dẫn đến bị mất kiểm soát thị trường.
Các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định là khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì việc DN đề xuất tăng giá bán lẻ trong nước là đúng nhưng cơ quan quản lý phải tính toán xem mức tăng đăng ký có hợp lý không. Nếu phù hợp thì cần phản hồi sớm để DN thực hiện, tránh để xảy ra tình trạng các cây xăng "găm" hàng như các đợt tăng giá trước, gây bất bình trong dư luận xã hội và làm xáo trộn thị trường.
Theo các chuyên gia, hiện nay xăng dầu đang phải "gánh" quá nhiều thuế, phí mà cuối cùng thì đều đổ hết lên vai người tiêu dùng. Đã có tính toán chi tiết được đưa ra là, theo mức giá nhập khẩu trung bình 30 ngày gần đây, số tiền người dân phải đóng vào giá mỗi lít xăng cho các loại thuế phí trên khoảng 7.750 đồng. Nếu đưa thuế nhập khẩu về mức 0% như thời điểm hồi đầu năm (khi mức giá nhập khẩu xăng tại Singapore cũng tương đương hiện nay), giá cơ sở trung bình 30 ngày sẽ giảm được khoảng 1.950 đồng/lít. Chỉ cần giảm mức thuế nhập khẩu xăng A92 từ 12% hiện nay xuống còn 5%, mức giá xăng nhập khẩu có thể giảm được khoảng 1.150 đồng/lít, hoàn toàn không phải tăng giá xăng (?).
Đây là thời điểm mà cơ quan quản lý phải cân nhắc thật kỹ mức thuế nhập khẩu cùng với mức sử dụng quỹ bình ổn, thuế và giá hiện hành. Giảm thuế được nhiều DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đề nghị và coi là giải pháp gỡ khó khả thi nhất cho thị trường xăng dầu, song quan điểm của Bộ Tài chính vẫn là muốn giữ thuế để bảo đảm nguồn thu ngân sách và vì thế, mọi áp lực đều dồn lên giá bán lẻ trong nước, tức là lên vai người tiêu dùng.
Khảo sát tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, một mặt bằng giá thực phẩm mới đã được thiết lập. Tại một số chợ lớn ở Hà Nội như Ngã Tư Sở, Kim Liên, Trương Định, Thành Công… giá cả các loại rau, cũng như thực phẩm tươi sống đều đã tăng đáng kể. Tại các chợ này, thịt nạc thăn có giá 125.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, mông, vai, chân giò... đều tăng thêm 5.000 đồng/kg, lên 95.000-100.000 đồng/kg tùy loại; sườn giá 110.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; trứng gà đỏ có giá 20.000 đồng/chục quả, tăng 1.000 đồng/chục; trứng vịt giá 32.000 đồng/chục quả, tăng 2.000 đồng/chục; gà công nghiệp mổ sẵn nguyên con có giá 70.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg...
Tương tự, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), các mặt hàng thủy sản cũng đội giá khá cao. Hiện cá rô đồng có giá 85.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg; rô phi tăng 5.000 đồng, lên 50.000 đồng/kg loại to, loại nhỏ 40.000 đồng/kg; cá chép giá 73.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg; tôm sú loại to giá 170.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg... Mặt hàng hoa quả có mức tăng cao hơn, từ 10 đến 15%. Cụ thể, nho đen Mỹ ở mức 180.000-190.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc ở mức 70.000 đồng/kg, thanh long 45.000-50.000 đồng/kg... Nhiều tiểu thương cho biết, dù phải giữ khách, không muốn tăng giá bán, nhưng giá xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng nên giá cả hàng hóa cũng tăng theo. "Nếu như trước kia chi phí vận chuyển hàng hóa từ nơi mua về đến địa điểm buôn bán của tôi thường chỉ vài chục nghìn, khi giá xăng tăng thêm thì giá chi phí này đã đội lên theo. Đây là khoản tiền tăng thêm do vận chuyển hàng hóa nên buộc tôi phải "chia ra", tính thêm vào giá các thực phẩm bán ra để tránh lỗ" - chị Tuất, một tiểu thương tại chợ Hà Đông nói như vậy.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ quận Đống Đa, thông thường sau khi tăng giá xăng thì khoảng 2 tuần trở lên, sự biến động giá các mặt hàng ở chợ đầu mối mới thể hiện rõ nét. Song lần này thì giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hầu hết đều đã tăng ngay, khiến cho hoạt động tại các chợ kém sôi động.
Về vận tải, dù có chậm hơn song các hãng taxi trên toàn quốc cũng đều đã công bố biểu giá mới, với mức tăng từ 500 đến 1.000 đồng/km. Theo đó, giá cước mới của hãng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng thêm từ 800 đến 1.000 đồng/km so với hiện hành (tùy theo từng loại xe). Tại Hà Nội, giá cước taxi của Mai Linh cũng tăng thêm ở mức tương tự. Các hãng Hương Lúa, Vạn Xuân cũng điều chỉnh thêm từ 700 đến 1.000 đồng/km (tùy từng loại xe). Nguyên nhân được đưa ra khá thống nhất là việc tăng giá xăng dầu vừa qua đã vượt quá sức chịu đựng của DN, nếu giá cước "đứng yên" thì việc thua lỗ nặng là khó tránh khỏi.
Bộ Tài chính đã ban hành văn bản về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn. Nội dung văn bản lưu ý các sở, ngành tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh để xảy ra tình trạng "tát nước theo mưa"… Động thái này được dư luận coi là không có gì mới, vẫn thường thấy sau mỗi đợt tăng giá xăng dầu nói riêng và hàng hóa dịch vụ nói chung, khiến người tiêu dùng không thể yên tâm được. Các biện pháp như trích quỹ bình ổn, giảm thuế nhập khẩu để hãm bớt mức độ tăng của giá xăng dầu trong nước được đánh giá là chỉ giúp giảm bớt được tác động hoặc làm chậm phần nào sự tăng giá, còn khi giá thế giới tăng nhanh thì vẫn buộc phải tăng. Trong điều kiện Nhà nước không giao hoàn toàn quyền định giá xăng dầu cho DN mà chỉ cho phép DN được quyết định trong khuôn khổ thì một sự can thiệp nhanh chóng, phù hợp là điều mà xã hội và người tiêu dùng đang mong đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.