(HNM) - Năm 2010, giá thành than thực hiện là 852.551đ/tấn, trong khi giá thành kế hoạch là 803.000đ/tấn. Nguyên nhân giá thành thực hiện tăng 6% so với kế hoạch chủ yếu do hệ số bóc đất tăng (8,72/8,49m3/tấn than lộ thiên), hệ số đào lò tăng (14,27/13,74m/1000 tấn than hầm lò); giá đầu vào, lãi vay ngân hàng, tỷ giá... tăng cao so với đầu năm.
Trong khi giá thành than tăng cao hơn kế hoạch, giá bán lại thấp hơn giá thành kế hoạch. Những điều này đã thực sự khó khăn cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cân đối được tài chính và có vốn để đầu tư phát triển chuẩn bị nguồn than đáp ứng cho nhu cầu tăng đột biến của ngành điện và các ngành khác trong nước vào các năm 2014-2015.
Khai thác than tại mỏ Vàng Danh. |
Theo TKV, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến giá thành năm 2010 là do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng hệ số bóc đất đá, cung độ vận chuyển đất đá, sản lượng than khai thác hầm lò với giá thành cao ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, đó là chưa kể đến các chi phí đầu vào, như giá thép chống lò, săm lốp ô tô, nhiên liệu, tiền lương cho thợ lò... Để giảm giá thành, những năm qua TKV đã áp dụng nhiều giải pháp đổi mới công nghệ, khoán chi phí, tăng năng suất lao động (năng suất lao động năm 2009 gấp 3,15 lần năm 1999) và trong kế hoạch năm 2010 đã khoán cho các đơn vị tiếp tục áp dụng các biện pháp như tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí quản lý... làm giá thành giảm hơn 12.000đ/tấn. TKV cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giá bán than cho các hộ điện, xi măng, giấy, phân bón, cung cấp đủ than (giá than cho các hộ này trong nhiều năm qua còn thấp hơn giá thành). Trong đó, năm 2008, TKV đã bán cho các hộ này dưới giá thành khoảng 2.000 tỷ đồng, năm 2009: 2.500 tỷ đồng và năm 2010 giá bán than cho điện sau khi điều chỉnh từ ngày 1-3-2010 còn thấp hơn giá thành trên 2,5 nghìn tỷ đồng.
Để bảo đảm nhu cầu than cho nền kinh tế quốc dân đến năm 2015 cần khoảng 60-65 triệu tấn than sạch, trong đó khả năng cân đối sản xuất của TKV khoảng 55 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu. Năm 2010, TKV sản xuất 41 triệu tấn than sạch từ nguyên khai và khoảng 2 triệu tấn than nhiệt năng thấp khai thác lại, thì đến năm 2015 tăng thêm 14 triệu tấn than sạch, tương đương 16 triệu tấn than nguyên khai (trong khi than lộ thiên giảm khoảng 4 triệu tấn, than hầm lò tăng 20 triệu tấn). Hiện nay, để tăng sản lượng 1 triệu tấn than phải đầu tư 120-150 triệu USD. Để tăng thêm được 20 triệu tấn than hầm lò đến năm 2015 phải cần khoảng 3 tỷ USD. Khi đó với sản lượng tổng số là 55 triệu tấn than sạch, riêng khấu hao và lãi vay đã tăng thêm khoảng 11.700 tỷ đồng/năm, bình quân 200.000 đ/tấn; chi phí tăng do điều kiện khai thác (tỷ trọng than hầm lò tăng, cung độ vận chuyển tăng, hệ số đất tăng,...) làm tăng chi phí khoảng 3%/năm; các yếu tố đầu vào khác tăng theo chỉ số giá hằng năm khoảng 6%/năm.
Với than cho sản xuất điện, EVN và TKV đã thống nhất giá bán than cho điện điều chỉnh từ ngày 1-3-2010 theo Thông tư 08/2010/TT-BCT ngày 24-2-2010 của Bộ Công thương: Than cám 4b TCVN 648.000đ/tấn; than cám 5 TCVN 520.000 đ/tấn; than cám 6a TCVN 450.000đ/tấn; than cám 6b TCVN 395.000 đ/tấn. Giá bán than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước (trừ hộ điện) thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%. Trong quý IV-2009, giá bán than cho các hộ xi măng, giấy, phân bón và các hộ khác (trừ than cho điện) đã điều chỉnh theo nguyên tắc bằng 90% giá xuất khẩu cùng thời điểm. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2010, do giá xuất khẩu tăng và tỷ giá tăng, nên than bán cho các hộ trên chỉ bằng 30- 55% giá xuất khẩu có cùng chất lượng.
Từ những bất cập nêu trên và để giúp ngành than đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu than trong nước sẽ tăng đột biến, từ năm 2014-2015, TKV đề nghị, với than bán cho các hộ xi măng, giấy, phân bón, do giá bán than cho các hộ này hiện thấp hơn giá xuất khẩu, nên đề nghị điều chỉnh từ đầu năm 2011 để thực hiện theo cơ chế giá thị trường theo Thông báo số 244/TB-VPCP ngày 11-8-2009 (bảo đảm giá than bán cho các hộ này thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%). Đối với than cho sản xuất điện, với sản lượng than bán cho các nhà máy điện 9 triệu tấn, năm 2010 tổng giá trị than bán cho điện thấp hơn giá thành là 2,5 nghìn tỷ đồng (nếu tính theo giá thành năm 2011 và sản lượng than bán cho điện dự kiến 11 triệu tấn, mức chênh lệch khoảng 3.500 tỷ đồng).
Vì vậy, TKV đã đề nghị lộ trình điều chỉnh giá than cho điện: Từ đầu năm 2011 điều chỉnh giá bán than cho điện ít nhất bảo đảm bù đắp được chi phí sản xuất than theo nguyên tắc bằng giá thành thực hiện năm 2010. Bước tiếp theo, điều chỉnh giá bán than cho điện theo cơ chế giá thị trường bằng giá bán vào các hộ ở thị trường trong nước từ quý IV-2011 hoặc đầu năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.