(HNM) - Đợt kiểm tra mới đây của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở TP Hà Nội ghi nhận nhiều địa phương, đơn vị đã triển khai hiệu quả Quy chế Dân chủ gắn với xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, cải cách hành chính, quản lý trật tự xây dựng…
Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện Thanh Oai giám sát công tác cải cách hành chính tại bộ phận “một cửa” xã Đỗ Động.Anh: Bá Hoạt |
Những kết quả cụ thể
Theo kết quả kiểm tra đợt 1 năm 2017 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở TP Hà Nội vừa kết thúc vào cuối tháng 7 cho thấy, các xã, phường, thị trấn cơ bản đã xây dựng bộ quy chế dân chủ và công khai niêm yết tại trụ sở và nhà văn hóa thôn, tổ dân phố về: Các dự án trên địa bàn, phương án giải phóng mặt bằng, quy hoạch, mức thu các loại phí, lệ phí do cấp xã trực tiếp thu...
Tại các địa phương, nhân dân tích cực tham gia bàn và quyết định trực tiếp về: Mức đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở, công trình phúc lợi công cộng, xây dựng các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đơn cử, tại xã Phương Đình (huyện Đan Phượng), người dân đã trao đổi, quyết định đóng góp để cải tạo, nâng cấp nghĩa trang nhân dân với kinh phí 374 triệu đồng; làm “đường có hoa, nhà có số” với kinh phí hơn 200 triệu đồng...
Việc thực hiện Quy chế Dân chủ còn được gắn với làm tốt công tác tiếp dân. Tiêu biểu là quận Long Biên, bên cạnh việc ban hành quy trình nội bộ về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư, quận đã xây dựng phần mềm tin học phục vụ công việc này. Qua thực hiện 1.098 buổi tiếp với 2.147 lượt công dân, quận đã giải quyết 2.096 đơn, đạt 92,37%.
Điểm nổi bật được Ban Chỉ đạo ghi nhận đó là, các địa phương đã triển khai Quy chế Dân chủ cùng với thực hiện Quyết định 217-QĐ/TƯ ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TƯ ban hành “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” của Bộ Chính trị (khóa XI).
Tại huyện Đan Phượng, các ban thanh tra nhân dân đã giám sát 351 vụ việc, phát hiện kiến nghị cơ quan chức năng 187 việc vi phạm. Các cơ quan chức năng đã giải quyết 173/187 việc (đạt 92,51%). Các ban giám sát đầu tư của cộng đồng thông qua giám sát 194 dự án cũng phát hiện 14 dự án có vi phạm và kiến nghị chính quyền yêu cầu chủ đầu tư kịp thời khắc phục.
Tại khối giáo dục, việc thực hiện Quy chế Dân chủ đã giúp các trường học đạt được kết quả đáng khích lệ. Ví như, Trường Tiểu học Tô Thị Hiển (huyện Đông Anh), năm học 2016-2017, có 50% giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 4 giáo viên đạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp huyện...
Nhân rộng mô hình hay, khắc phục hạn chế
Cán bộ MTTQ Việt Nam phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) giám sát công tác lát lại vỉa hè trên địa bàn. Ảnh: Thái Hiền |
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, nếu ở đâu cấp ủy, chính quyền thực sự tâm huyết trong việc thực hiện Quy chế Dân chủ thì mọi lĩnh vực đều chuyển biến. Thực hiện tốt Quy chế cũng tác động tích cực đến công tác cải cách hành chính. Điều này được minh chứng tại quận Nam Từ Liêm trong quá trình xây dựng "Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm" với 246 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của quận được công khai; tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đạt 99,68%, trong đó hồ sơ giải quyết trước hạn đạt 27%.
Đặc biệt, nhiều đơn vị đã chủ động thực hiện Quy chế Dân chủ trong các loại hình mới như quận Long Biên đã áp dụng trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bảo vệ môi trường. Chỉ riêng phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), từ năm 2016 đến nay đã cấp được 260 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, đạt 134% so với chỉ tiêu quận giao, không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện...
Theo ông Đào Ngọc Triệu, có một khác biệt lớn giữa đơn vị thực hiện tốt với đơn vị chưa tốt Quy chế Dân chủ. Đó là, tại những đơn vị thực hiện tốt, bầu không khí dân chủ, cởi mở được xây dựng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, tình hình kinh tế, xã hội phát triển, an ninh trật tự được giữ vững. Trong khi đó, tại những đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện Quy chế Dân chủ, kết quả đạt được trên các lĩnh vực còn hạn chế.
Trên bình diện chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chỉ rõ những mặt hạn chế. Đó là việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở một số nơi còn chậm. Tại một số đơn vị, địa phương, công tác quản lý xây dựng bị buông lỏng, còn xảy ra tình trạng vi phạm hành lang đê điều, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Công tác nắm bắt tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân tại một số cơ sở có lúc chưa sâu sát, công tác quản lý đất đai còn tiềm ẩn nhiều phức tạp...
Để thực hiện Quy chế Dân chủ hiệu quả hơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý các địa phương, đơn vị cần gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Cùng với đó là rà soát các quy chế, quy ước để bổ sung, hoàn thiện cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời biểu dương, nhân rộng mô hình hay, chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt, để việc thực hiện Quy chế tiếp tục mang lại những lợi ích thiết thực cho Đảng, cho dân.
Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố sẽ tiến hành kiểm tra đợt 2 (từ ngày 11-9 đến ngày 30-11-2017), tại 15 sở, ngành, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy và doanh nghiệp. Đó là: Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông - Vận tải; Cục Thuế Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội, Đảng ủy Khối các trường đại học - cao đẳng Hà Nội; Tổng công ty Thương mại và 1 đơn vị thành viên... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.