Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng đầu tư xã hội, hỗ trợ giảm nghèo

Thành Tâm| 29/10/2011 06:24

(HNM) - Sáng 28-10, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến, thảo luận nhằm chỉ rõ những thách thức trước mắt và lâu dài của nền kinh tế và đề xuất những giải pháp...

ĐB Bùi Đức Thu (Lai Châu) chỉ rõ, nền kinh tế nước ta đang đứng trước những khó khăn rõ ràng là lạm phát, nợ công lên đến mức 54,6% GDP. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo 4 nguy cơ đe dọa phát triển bền vững kinh tế - xã hội là lạm phát, bội chi ngân sách, nhập siêu và tình cảnh khó khăn của các doanh nghiệp. Những vấn đề này đã kéo dài nhiều năm, có mức so sánh quá cao so với thế giới và khu vực, đe dọa phát triển kinh tế, làm nảy sinh những vấn đề xã hội. ĐB Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) nhấn mạnh đến chỉ tiêu giảm nghèo mới đạt 1,5% so với mục tiêu 2% và cho rằng trong những năm tiếp theo, mục tiêu trên vẫn là chưa khả thi.

Bên cạnh đó, các ĐB phản ánh những bất cập còn tồn tại trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng còn yếu kém, chính sách hỗ trợ nông dân, hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo hiệu quả chưa cao...

Từ những nhận định trên, các ĐB cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) nhấn mạnh, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phải lấy tính ổn định, bền vững là mục tiêu chính, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao. Nhìn vào phương hướng cho những năm tiếp theo, nhất là với mục tiêu năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, các ĐB cho rằng Chính phủ cần nêu những giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, từng địa phương và từng ngành. ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, trước mắt Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 11 để hoàn thiện các giải pháp, thực hiện hiệu quả trong năm 2012. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ khẩn trương siết chặt kỷ luật ngân sách, giám sát chặt chẽ đầu tư công, chi thường xuyên theo hướng cắt giảm 5% chi thường xuyên ở các bộ, ngành. ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề xuất Chính phủ phát động thực hành tiết kiệm trên địa bàn toàn quốc như một giải pháp tiết giảm chi tiêu, phục vụ phát triển...

Nhiều năm qua, người dân tại Hà Giang đã được hỗ trợ xóa nhà tạm, vay vốn sản xuất kinh doanh. Ảnh: Minh Sơn

* Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012.

Đa số các ĐB đồng tình với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao về kết quả thu, chi ngân sách năm 2011. Tuy nhiên, các ĐB cũng bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng các nguồn thu. ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam) nhận xét, nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước năm 2011 tiếp tục đạt mức cao nhưng xét về tổng thể mức thu so với các năm trước đó tăng chậm, đòi hỏi rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. ĐB Nguyễn Sơn (TP Hà Nội), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) thì cho rằng, giá trị thu ngân sách nhà nước có đạt nhưng nguồn thu chưa thật bảo đảm, quản lý thu còn bất cập, nhiều kẽ hở trong chính sách thuế đã lộ rõ, dễ phát sinh tiêu cực, thất thoát. ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) thì bày tỏ lo ngại về tăng trưởng nguồn thu từ việc giao quyền sử dụng đất. Theo ĐB thì việc giao quyền sử dụng đất để tăng thu ngân sách cần có kế hoạch, tránh vội vàng, do quỹ đất không vô hạn...

Để tăng thu và đạt độ hợp lý trong chi ngân sách, các ĐB đã đóng góp nhiều giải pháp, đồng thời có những kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ về phân bổ ngân sách năm 2012 và những năm tiếp theo. ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Danh Út (Kiên Giang) yêu cầu cần tiếp tục rà soát, kiểm tra, giám sát, tăng cường hậu kiểm việc thu thuế, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu hồi các khoản chi bất hợp lý và coi đó là nguồn thu phục vụ an sinh xã hội. ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) thì đề cập đến nguồn thu từ khai thác khoáng sản. Đây là nguồn thu lớn còn bị buông lỏng, cho dù Luật Khoáng sản (được QH khóa XII thông qua) đã đề cập đến việc thu phí, thuế từ hoạt động này.

Về chi ngân sách năm 2012, ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để giảm bội chi, giảm nhập siêu, phấn đấu đến năm 2015 nhập siêu không quá 4%. Công tác chi ngân sách năm 2012 cũng cần được triển khai theo hướng kiên trì thực hiện Nghị quyết 11, hạn chế chi bổ sung.

Quan tâm đến việc xóa nghèo, các ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) và nhiều ĐB khác đề nghị tiếp tục chi ngân sách đúng mức cho hơn 60 huyện nghèo, các địa bàn trọng điểm, các địa phương có nguồn thu thấp bị thiên tai, các vùng cửa khẩu. Ngân sách nhà nước cũng cần quan tâm đúng mức đến giáo dục, y tế, tiền lương và phụ cấp công vụ...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên:
Nợ công và sử dụng vốn ODA vẫn bảo đảm

- Ông đánh giá như thế nào về độ an toàn của nợ công. Nguồn vốn ODA sử dụng hiện nay có hiệu quả không?

Về nguyên tắc, nợ công của Việt Nam vẫn an toàn trên mức độ khả năng trả nợ, chứ tôi không nói nợ công an toàn tính theo tỷ lệ GDP. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, chỉ số tín nhiệm tài chính của Việt Nam trên trường quốc tế có giảm sút, làm chi phí vay nợ của chúng ta cao lên. Đây là nguyên nhân làm lãi suất vay nợ nước ngoài của Việt Nam tăng cao, buộc chúng ta phải đắn đo và vấn đề này cũng phụ thuộc vào việc phát hành trái phiếu. Cho đến thời điểm này, các tổ chức cho Việt Nam vay nguồn vốn viện trợ phát triển kinh tế (ODA) gồm một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Tiền tệ quốc tế... đều đánh giá Việt Nam sử dụng nguồn vốn này hiệu quả nhất trong các nước vay ODA.

- Một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cắt giảm đầu tư công, theo ông vấn đề này có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới?

Khi nói giảm đầu tư công tức là Nhà nước dần thực hiện đúng vai trò với tư cách là cơ quan quản lý điều hành hành chính. Nhiều chuyên gia kinh tế và các ĐBQH đã phân tích: Nhà nước của chúng ta có hai vai, vừa quản lý hành chính nhà nước, lại vừa là chủ đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Nếu giảm đầu tư công, thì các thành phần kinh tế khác có điều kiện sẽ đầu tư vào theo dạng dự án "công tư kết hợp", từ đó mở ra hướng đi mới cho các doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, khi thực hiện vấn đề này sẽ kèm theo những hệ lụy liên quan và đó là điều tất yếu xảy ra của nền kinh tế thị trường.

Tư Đô
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng đầu tư xã hội, hỗ trợ giảm nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.